‘Chạy marathon’ trong giải ngân vốn đầu tư công
(DNTO) - Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2021 nhưng kết quả giải ngân đầu tư công chỉ ước đạt 55,8% kế hoạch. Áp lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư công đang đặt nặng trên vai Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
Tăng tốc giải ngân đầu tư công
Ước tính đến hết tháng 10/2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt khoảng 55,8% kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (67,2%). Cách đây vài tuần, hàng loạt các bộ ngành xin trả lại hơn 8.000 tỉ đồng vốn đầu tư công vay nước ngoài.
Đánh giá về tình hình giải ngân đầu tư công trong năm 2021, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, cũng là năm Quốc hội mới hoạt động, cùng với ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh phức tạp ở nhiều tỉnh thành khiến nhiều dự án đầu tư công không thể triển khai, do vậy, quá trình giải ngân đầu tư công bị chậm trễ.
“Nguồn ngân sách ODA cho đầu tư công hiện bị các bộ ngành trả lại hàng loạt. Ngoài ra, còn nguồn trái phiếu chính phủ hiện còn hàng chục nghìn tỉ đồng. Như vậy chi phí cơ hội mất rất nhiều”, TS Võ Trí Thành cho hay.
Trong khi đó, đầu tư công luôn được xác định là một trong những động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ở giai đoạn 2016-2020, với dù mức vốn đầu tư công chỉ gần 2 triệu tỷ đồng, nhưng đã huy động được hơn 9 triệu tỷ đồng vốn đầu tư xã hội. Vốn đầu tư công được xem là “vốn mồi” để thu hút, dẫn dắt dòng vốn đầu tư của các khu vực ngoài nhà nước tại Việt Nam, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế trong 5 năm qua.
Theo TS Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2022-2025 ảnh hưởng rất lớn đến kịch bản phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đặc biệt trong năm 2022, động lực tăng trưởng nhanh nhất vẫn đến từ đầu tư công, khi niềm tin của doanh nghiệp, người dân chưa thể phục hồi nhanh chóng, ngay cả khi Việt Nam mở cửa. Do đó, trong giai đoạn tới, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, áp lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công là rất lớn.
Hôm 25/10, Văn phòng Chính phủ phát đi Công điện số 7776, yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021...
TP.HCM đặt mục tiêu từ nay đến hết năm 2021, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm đạt trên 95%; đồng thời thông qua kế hoạch dùng 142.557 tỉ đầu tư công giai đoạn 2021-2025.
Hà Nội cho biết, sẽ cắt giảm, điều chuyển vốn đối với các dự án để chậm tiến độ, không có khả năng giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021 và tăng vốn với dự án giải ngân tốt. Dự kiến điều chỉnh giảm kế hoạch vốn 3.253.889 triệu đồng của 56 dự án và điều chỉnh tăng kế hoạch vốn 2.507.889 triệu đồng của 68 dự án.
Các địa phương khác như Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Hà Tĩnh… cũng đang chạy nước rút trong việc giải ngân vốn đầu tư công để phục hồi trong đại dịch.
Tuy nhiên, để giải ngân có hiệu quả trong giai đoạn tới, cần nhận diện đúng các “điểm nghẽn” trong đầu tư công đã tồn tại nhiều năm nay như giải phóng mặt bằng, trình độ thẩm định, phê duyệt dự án, năng lực nhà thầu, cơ chế giám sát… và có chiến lược xử lý kịp thời để đảm bảo không lãng phí nguồn lực trong đầu tư công và ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công
Theo TS Nguyễn Xuân Thành, giai đoạn 2020-2021, Việt Nam giải ngân được vốn FDI chủ yếu do các cam kết đã kí từ trước đó trong giai đoạn 2018-2019, nên dù nhà đầu tư không đến Việt Nam nhưng vốn đầu tư vẫn tiếp tục được giải ngân.
Tuy nhiên, năm 2022, kì vọng mở cửa để đón nhà đầu tư theo cam kết mới sẽ vẫn khó khăn vì dịch Covid- 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngay cả những nước đã có 80% dân số đã tiêm đủ vaccine như Singapore hay Israel cũng phải đối mặt với tình trạng cứ mở cửa là dịch bùng phát trở lại.
Vì vậy, các dự án đầu tư công trong thời gian tới phải hướng đến việc phát triển cơ sở hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long, năng lượng, cơ sở hạ tầng đô thị (Hà Nội và TP.HCM), đặc biệt là hệ thống đường bộ, đường cao tốc, cơ sở hạ tầng cảng, sân bay gắn với liên kết vùng.
“Trong mạng lưới hệ thống cơ sở hạ tầng của liên kết vùng, dự án ở địa phương nào thì địa phương đó có trách nhiệm đẩy nhanh”, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Đồng tình với quan điểm rằng cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, ông Trịnh Tuấn Minh - Chuyên gia đầu tư tại AzFin Việt Nam (đơn vị chuyên đào tạo và tư vấn chứng khoán) cho biết, nút thắt cổ chai của nền kinh tế Việt Nam hiện đang nằm ở việc phân bổ đường bộ.
Việt Nam có tới 500.000 km đường bộ nhưng chỉ 25% đạt chất lượng tốt, trong khi đó đường bộ chiếm 80% vận chuyển hàng hóa, điều này dẫn đến chi phí vận tải/GDP của Việt Nam thuộc top cao nhất trên thế giới 20,8%, trong khi các nước phát triển dao động dưới 10%. Đây là vấn đề Chính phủ bắt buộc giải quyết trong giai đoạn tới.
Năm 2021, nhiều dự án đầu tư công được khởi động gồm cao tốc Bắc – Nam, vốn đầu tư 4,4 tỷ USD; sân bay Long Thành 4,9 tỷ USD, đường sắt Metro 2+3 Hà Nội 3 tỷ USD; đường sắt Metro 2 TP.HCM 2,1 tỷ USD, đường sắt Metro 1 TP.HCM 2 tỷ USD; cao tốc HCM – Thủ Dầu Một, vốn đầu tư 0,9 tỷ USD; cao tốc Bến Lức – Long Thành 1,9 tỷ USD… Các dự án này dự kiến đến năm 2028 sẽ hoàn thành, nếu tính yếu tố dịch bệnh sẽ kéo dài khoảng 6 tháng – 1 năm, là động lực phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.
“Trong vòng 10 năm tới, chi tiêu Chính phủ cho đầu tư công dự kiến rơi vào 120 tỷ USD. Đây là con số rất lớn và tập trung chủ yếu cho các dự án đường bộ. Ý chí Chính phủ đang nhìn thấy điều này để kiểm soát chi phí vận tải. Nếu Việt Nam làm tốt sẽ giúp chi phí vận tải rẻ tương đối, đây là một lợi thế rất lớn”, ông Minh cho biết.
Dưới góc độ tư vấn chính sách, TS Võ Trí Thành cho biết, nguồn ngân sách ODA vào Việt Nam nhưng không giải ngân được do khung khổ pháp lý trong nước và đòi hỏi của các nhà tài trợ như Nhật, ADB, Worldbank… chưa tương thích. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trải qua rất nhiều thủ tục hành chính phức tạp, do đó, cần tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách để tạo thông thoáng cho các nguồn ngân sách ODA.