Kiên quyết xóa bỏ cơ chế 'xin-cho', lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư
(DNTO) - Cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, vùng khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả; xóa bỏ cơ chế "xin cho".
Để triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025, Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định giao danh mục, mức vốn ngân sách Trung ương bố trí kế hoạch đầu tư cụ thể cho từng dự án, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách và các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.
Theo đó, các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương khẩn trương thực hiện giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 trước ngày 30/9 cho các dự án khởi công mới, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo quy định; điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư đối với các dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Để nâng cao chất lượng dự án đầu tư công,Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công chi tiết danh mục dự án và mức vốn ngân sách, nhiệm vụ theo quy định bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư công.
Cụ thể, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan rà soát lại thật kỹ lưỡng, tiếp tục giảm số dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới để tập trung nguồn lực hơn nữa, cương quyết cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, không hiệu quả.
“Ngân sách có sẵn không đầu tư đã là lãng phí, nhưng cả vốn vay vẫn giải ngân chậm thì lại càng lãng phí hơn. Đối với những dự án nào thực sự không thể vận hành được thì ‘đau cũng phải cắt, nếu không tình trạng thua lỗ sẽ mãi kéo dài", Thủ tướng nhận định và yêu cầu đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia có ý nghĩa liên vùng, tác động lan tỏa, tạo ra không gian phát triển mới, đồng thời chú ý các dự án an sinh xã hội, chăm lo cho cuộc sống người dân.
Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và bảo đảm phối hợp công tác chặt chẽ, kịp thời ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhằm hoàn thành sớm các dự án, phát huy hiệu quả đầu tư, giảm tối đa thời gian bố trí vốn của dự án.
Đặc biệt nhấn mạnh, từng bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho” và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng.
Chính phủ yêu cầu, vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là "vốn mồi" để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công - tư.
Cùng với đó, các địa phương được bố trí vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 phải cam kết bố trí phần vốn còn thiếu từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án so với tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư trung hạn, địa phương phải tự cân đối vốn để hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.