Bộ trưởng Tài chính: 'Muốn tăng năng lực cho nền kinh tế phải phát triển được sức sống của doanh nghiệp'
(DNTO) - "Vấn đề cốt lõi lúc này là làm thế nào để phát triển được sức sống của doanh nghiệp - động lực quan trọng nhất để phục hồi và phát triển kinh tế. Muốn vậy phải tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, chính sách vốn, tiếp cận đất đai… để tạo bệ phóng cho doanh nghiệp", ông Phớc nhấn mạnh.
Phát biểu tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 25/5, đề cập tới vấn đề phục hồi kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Thời gian qua đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ hàng trăm nghìn tỷ đồng. Rõ ràng là nỗ lực rất lớn trong 1 năm qua cũng như 4 tháng đầu năm nay mới giữ được, tạo dựng được đà tăng trưởng như hiện nay.
"Nguồn vượt thu từ tiền sử dụng đất dự toán là 8,3% thì thực hiện là 11,8% trong tổng thu. Dầu thô dự toán chiếm 1,7% thực hiện là chiếm 2,9% trong tổng thu ngân sách. Điều đó có nghĩa là sức sống của nền kinh tế của chúng ta vẫn là 55% ngoài đất và ngoài dầu thô vẫn phát triển được", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay chúng ta có rất nhiều thách thức khi đang đối diện với vấn đề lạm phát, giá cả tăng cao, vấn đề lãi suất ngân hàng. “Lãi suất của ngân hàng thương mại huy động đã 7,3%, muốn vay phải trên 10%, điều này gây áp lực lên các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vay lãi suất cao, khả năng tiếp cận lãi suất khó”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Ngoài ra, giá thành sản xuất, kinh doanh sẽ cao lên gây khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Một số doanh nghiệp rất khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến người lao động, việc làm, thu ngân sách.
Để tăng được năng lực cho nền kinh tế, cần phải phát triển được sức sống của doanh nghiệp. Muốn vậy mọi cấp, ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, chính sách vốn, tiếp cận đất đai… để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh các tuyến đường cao tốc, bởi “đường đi đến đâu thì trăm nghề phát triển đến đó”, giải quyết được vùng nguyên liệu, thu hút đầu tư.
Đồng thời cũng cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào hệ sinh thái chuỗi giá trị của doanh nghiệp đầu chuỗi, hình thành cụm liên kết ngành, hệ sinh thái của doanh nghiệp...
Ở góc độ làm thế nào để chống lạm phát trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, các cấp, các ngành phải tập trung vào tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư công phát triển.
Vấn đề này có nhiều vướng mắc, ví dụ như vấn đề tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. “Giải phóng mặt bằng rất lâu, không thể 1-2 tháng làm được mà cả năm, thậm chí có những dự án hàng chục nằm, còn phải cưỡng chế… Tách ra để bố trí trước vốn…”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thẳng thắn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất cần điều chỉnh, hoàn thiện lại để đảm bảo vấn đề thúc đẩy phát triển: “Công trình muốn nhanh hay chậm, cốt ở giải phóng mặt bằng, khi nhà thầu đấu thầu xong, giải phóng mặt bằng rồi làm rất nhanh. Như vậy, không bị lỗ, không bị áp lực lạm phát nhiều bởi công trình bàn giao nhanh đưa vào sử dụng ngay thì hiệu quả càng tốt, sẽ không bị tác động nhiều bởi lạm phát, còn nếu công trình cứ kéo dài ra, năm này qua năm khác, doanh nghiệp phải gánh lỗ khiến sức sống của nền kinh tế giảm đi”.