'Khơi thông' dòng vốn cho doanh nghiệp, người dân lấy lại nhịp phục hồi
(DNTO) - Trong khi giá cả vẫn leo thang kỷ lục, ngoài tìm cách giảm giá xăng dầu, cơ quan chức năng cần có thêm giải pháp dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cơ chế giãn, hoãn nộp các khoản thuế phát sinh. Đây là "liều thuốc" quý, chảy đúng thời điểm của "cơn khát" giúp vực dậy sức bật cho doanh nghiệp.
Rất cần sự gia hạn của chính sách
Theo nhận định của các chuyên gia, tác động của “bão giá” đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong báo cáo tài chính quý I của phần lớn doanh nghiệp và đang có dấu hiệu tiếp tục kéo dài và “bùng lên” trong quý II, nếu chi phí đầu vào tiếp tục leo thang. Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn mà ngay cả các doanh nghiệp có vốn hóa lớn cũng thừa nhận lao đao với diễn biến giá.
Những thống kê trên chưa thể khái quát hết mức độ ảnh hưởng của các cơn bão giá lần này đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ở nhiều lĩnh vực như phân bón, điện tử, vật liệu xây dựng, dịch vụ… giá cả đã rục rịch tăng lên từ 10 đến 30% thậm chí có mặt hàng tăng tới 40% khiến cho doanh nghiệp, người tiêu dùng đứng trước áp lực của mặt bằng giá mới trên diện rộng.
Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon cho biết, hiện nay giá nguyên vật liệu đầu vào, giá xăng dầu, cước vận chuyển… đều tăng cao, làm đội chi phí giá thành sản xuất. Trong bối cảnh trên, nhiều công ty phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng vì nguy cơ thua lỗ."
"Nếu giá đầu vào tăng liên tục, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Khi đó khả năng cạnh tranh của sản phẩm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ gặp nhiều bất lợi hơn, rủi ro của doanh nghiệp vì thế cũng tăng. Tuy nhiên, đây cũng là điều mà các doanh nghiệp không mong muốn trong bối cảnh hiện nay", ông Long trần tình.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc tăng giá nguyên liệu đầu vào cũng như tăng giá bán chỉ là giải pháp tức thời để duy trì kinh doanh, còn việc cân đối kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 là vấn đề rất khó và rất hệ trọng, cùng sức ép từ các biến động của kinh tế thế giới ngày một lớn hơn.
Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, mới đây, người đứng đầu ngành Tài chính đã đưa ra những việc “cần phải làm ngay”, thông qua việc chính thức trình Chính phủ cơ chế giãn, hoãn nộp các khoản thuế phát sinh trong năm 2022.
“Do đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động, Bộ trình Chính phủ cho phép nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Có thể nói, một trong những thành tựu đáng ghi nhận là Bộ Tài chính chủ động điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
"Nếu như các năm 2020 và 2021 số tiền lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, thì năm 2022, con số này lớn hơn nhiều. Chiếm tới 83% tổng gói hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ và phát triển kinh tế - xã hội, giá trị của gói chính sách tài khóa trong 2 năm 2022 - 2023 lên đến 291 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn giảm, giãn thuế, phí, tiền thuê đất khoảng 64 nghìn tỷ đồng", Bộ Tài chính thông tin.
Đánh giá về gói "trợ lực" này, các chuyên gia nhìn nhận, việc gia hạn thuế, tiền thuê đất, doanh nghiệp sẽ giảm thiểu phải đi vay vốn. Đây là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thêm nguồn tài chính để giải quyết các khó khăn trong thời gian trước mắt, từ đó có thể ổn định và phát triển trong tương lai.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp Nguyễn Văn Tuấn cho biết, đây là một trong những chính sách hỗ trợ mà doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng nhất.
“Với chính sách này, doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền tạm thời chưa phải nộp để tập trung cho sản xuất, kinh doanh. Đây là sự hỗ trợ cần thiết, thể hiện sự lắng nghe, quan tâm của Chính phủ và các cơ quan chức năng với cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và một số chính sách khác, việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước sẽ góp phần giúp doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch Covid-19”, ông Nguyễn Văn Tuấn nói.
Cần "mạnh tay" giảm thuế thu nhập cá nhân
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), đánh giá cao chính sách gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp, vì khi doanh nghiệp “khỏe” thì người lao động mới có việc làm và ổn định thu nhập.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng việc gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân là cần thiết nhưng chưa đủ, bởi người dân hưởng lợi từ chính sách này không nhiều vì “trước sau gì cũng phải đóng”. Trong khi đó, hiện nay giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều tăng cao khiến nhiều người chật vật, cho nên cần giảm gánh nặng thuế thu nhập cá nhân để người dân dễ thở hơn và chăm lo cho gia đình tốt hơn.
“Vì vậy, ngoài việc hoãn nộp, tôi đề nghị nên giảm 30% thuế thu nhập cá nhân cho người dân. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần xem xét đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc lên. Vì mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng như hiện nay là lạc hậu, nhất là trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng phi mã. Đồng thời, bộ cần bổ sung quy định các khoản chi phí hợp lý và có hóa đơn, chứng từ của người dân như tiền điện, nước, thuê nhà, học phí của con… phải được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân”, ông Nghĩa đề xuất.
Phân tích thêm về cơ cấu đóng thuế TNCN, ông Nghĩa cho hay, tỉ lệ từ tiền công, tiền lương vẫn chiếm rất lớn. Những khoản đóng góp khác như chứng khoán, bất động sản dù có tăng mạnh nhưng nếu tính theo số tuyệt đối thì cũng không nhiều. Thuế TNCN vẫn đến chủ yếu từ người làm công ăn lương.
Đó là chưa kể thuế TNCN áp dụng lũy tiến với năm bậc là quá dày. Vì vậy, theo các chuyên gia, Nhà nước cần sớm xem xét, có chính sách giảm một phần thuế TNCN, tăng mức giảm trừ gia cảnh, giảm bậc thuế hiện nay xuống thấp hơn như thu gọn lại chỉ còn bốn bậc là 5%, 10%, 20% và 30%.
Thực tế, trong suốt 15 năm từ năm 2007 - thời điểm ban hành Luật Thuế TNCN, mức giảm trừ gia cảnh mới được điều chỉnh 2 lần (năm 2013 và 2020). Rõ ràng, sự “giảm trừ” này trở nên quá lạc hậu mà còn có độ trễ lớn.
Trong bối cảnh các dư địa về chính sách tài khóa và tiền tệ không còn nhiều như hiện nay, dẫu biết thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, tuy nhiên, khoan thư được sức dân, để “không ai bị bỏ lại phía sau” cũng là câu chuyện cần phải làm ngay giữa lúc người dân đang phải gánh chịu "bão giá" khó khăn trăm bề.
Điều này coi như Nhà nước hỗ trợ cho những người đang có thu nhập thêm một khoản để chi tiêu. Khi người dân mua sắm nhiều hơn cũng kích cầu kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp cũng sẽ khởi sắc hơn, góp phần đẩy nhanh tiến trình mục các mục tiêu phục hồi kinh tế.