Xoa dịu cơn bão giá mà không cản trở phục hồi có là 'bài toán' khó?
(DNTO) - Trong bối cảnh giá cả "té nước theo mưa" từ hệ lụy của giá xăng dầu, nguy cơ lạm phát cao quay trở lại đối với Việt Nam là rất lớn. Các cơ quan điều hành đang đứng trước bài toán khó là làm sao xoa dịu cơn bão giá mà không cản trở đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Chiều nay, 1/6, Liên bộ Công thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Với diễn biến giá xăng dầu trên thế giới, giá xăng trong nước tiếp tục tăng tại kỳ điều hành này, vượt mốc lịch sử với 31.578 đồng/lít. Trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục tăng "nóng", rất nhiều lo ngại sẽ xảy ra hiệu ứng "domino" với các mặt hàng khác.
Sau thời gian dài chịu lỗ, Công ty Vissan (TP.HCM) cho biết đã tăng 5-15% giá bán các mặt hàng thực phẩm chế biến như xúc xích, đồ hộp, thịt nguội... Việc tăng giá là do giá nguyên vật liệu đầu vào, bao bì... tăng 20-40% so với trước. Mới đây, Công ty Saigon Food (TP.HCM) cũng tăng giá 15% đối với hầu hết sản phẩm thực phẩm chế biến.
"Sức mua nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến đang giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải tăng giá bán, do giá đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là các nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, với giá xăng dầu và gas ở mức cao kéo dài, nhiều doanh nghiệp đang tính toán hình thành thêm đợt tăng giá bán thực phẩm dù trước đó đã tăng", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM, cho biết.
Không những thế, các doanh nghiệp cho rằng giá thực phẩm thời gian tới còn tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhiều người nuôi lợn bị thua lỗ, không tái đàn, dẫn đến thiếu thịt khiến giá tăng lên...
Nêu quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho rằng, lạm phát ở mức cao sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng của nền kinh tế. Trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao, người tiêu dùng sẽ phải thắt chặt chi tiêu hằng ngày. Chi tiêu sụt giảm từ các hộ gia đình sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, bởi các doanh nghiệp bán được ít hàng hóa hơn, dẫn tới sản xuất, kinh doanh sụt giảm và các dự án đầu tư cũng bị trì hoãn.
"Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung, có giải pháp tổng thể bảo đảm đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn", ông Lâm nhấn mạnh.
Cho rằng ở Việt Nam đang có cơ hội để kìm tốc độ tăng của lạm phát, đó là công cụ thuế, phí để kìm giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho hay, nếu không nhanh chóng kìm giá xăng dầu thì sẽ khó kiểm soát lạm phát, lúc đó hậu quả với nền kinh tế rất nặng nề.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Ngân cho biết, bài học về kiểm soát lạm phát nhìn được gần nhất là năm 2008. Lúc đó biến động xăng dầu trên thế giới tăng tới hơn 140 USD/thùng, cộng với giá lương thực, thực phẩm tăng, đẩy lạm phát tại Việt Nam lên tới hơn 20%. Lúc đó, tất cả các chi phí, giá cả hàng hóa và đời sống người dân vô cùng khó khăn...
Vì vậy, ông Ngân kiến nghị, giá xăng tăng cao trong khi quỹ bình ổn đã cạn kiệt, cần tiếp tục giảm thuế tác động môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, cùng với đó nhanh chóng giảm hoặc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng.
“Thực tế, nếu giảm thuế với xăng dầu sẽ kéo giảm được lạm phát và chi ngân sách giảm theo. Điển hình, chi phí của doanh nghiệp sẽ giảm, giá hàng hóa cũng sẽ giảm nhiệt. Các dự án đầu tư công cũng không rơi vào tình trạng đội vốn”, ông Ngân phân tích và nhấn mạnh: "Chúng ta đã giảm được 50% thuế bảo vệ môi trường, bây giờ chúng ta phải tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với giá xăng dầu trong điều kiện này".
"Tóm lại phải biết hy sinh ngân sách trước mắt để được lâu dài. Bộ Tài chính sợ thất thu vì giảm thuế thì có thể sẽ gặp thất thu nặng hơn nếu không giảm. Bởi vì lạm phát bùng nổ thì các khoản chi ngân sách sẽ tăng lên rất nhanh, như chi đầu tư công sẽ phải tăng theo giá cả", ông Ngân nhìn nhận.
"Nếu lạm phát tăng cao, đồng nghĩa chi ngân sách tăng, chi đầu tư công sẽ tăng, thậm chí sẽ có lúc phải thắt chặt chi ngân sách nếu không kiểm soát được lạm phát. Thà rằng mình chi ngân sách trước cho việc giảm thuế để kìm hãm đà tăng của một số mặt hàng là nguyên liệu đầu vào để các khoản chi khác không tăng lên, còn hơn phải đối mặt với việc lạm phát tăng cao", ông Ngân nói.
Ngoài việc giảm thuế cần phối hợp với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát tăng không đến từ việc mở rộng chính sách tiền tệ. Bởi hiện nay, các gói kích thích kinh tế của chúng ta chưa giải ngân gì hết, mà lạm phát đã tăng. Như vậy, lạm phát tăng không phải do kích cầu mà do chi phí đẩy.
Trong "rổ" chi phí đẩy thì chi phí về xăng dầu, lưu thông, vận chuyển chiếm tỉ trọng cao nhất, do vậy phải hỗ trợ kéo những chi phí này xuống. Đây là bài toán cần hết sức lưu ý, cần phải theo dõi sát sao và có giải pháp kịp thời.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta kiểm soát giá xăng dầu không có nghĩa để giá xăng dầu ở mức quá thấp. Vì nếu chênh lệch quá lớn giữa giá xăng dầu trong nước và giá xăng dầu thế giới sẽ tạo điều kiện cho buôn lậu xăng dầu.
Về dài hạn, giá xăng dầu có tiếp tục tăng, thiết lập các kỷ lục mới thì cũng là chuyện khó tránh song nếu như vượt quá mục tiêu kiểm soát lạm phát, ảnh hưởng đến nền kinh tế thì lúc bấy giờ cần có các giải pháp cần thiết.
"Dự trữ quốc gia của chúng ta về xăng dầu rất yếu. Vấn đề này, chúng tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương. Hiện nay, dự trữ xăng dầu quốc gia bị trộn lẫn với dự trữ của doanh nghiệp; không có kho riêng của quốc gia về dự trữ xăng dầu, đó là yếu tố không thật sự an toàn", đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm băn khoăn.
Theo các chuyên gia kinh tế, để kiềm chế lạm phát thông thường có hai công cụ là chính sách tài khóa và tiền tệ. Nhưng trong bối cảnh vừa phải xoa dịu cơn bão giá mà không cản trở đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, cần có hướng xử lý hài hòa các công cụ này. Do đó, cơ quan điều hành tiếp tục nâng cao hiệu quả trong phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành cung tiền, lãi suất, trung hòa lượng tiền vào-ra, điều tiết giá cả.
Lên kịch bản với 2 biến số là giá xăng dầu và lương thực
Để đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng từ 6% đến 6,5%, kiểm soát lạm phát 4 % trong năm 2022, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến hai biến số quan trọng là giá xăng dầu và giá lương thực.
Trước mắt cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó hỗ trợ giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, chống các hành vi té nước theo mưa và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá, nhằm tạo thuận lợi để kiềm chế lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế...
Ông Ngân cho rằng, Chính phủ cần tập trung kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện nhanh, hiệu quả gói tài khóa tiền tệ theo tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.
“Trước mắt, cần ưu tiên triển khai gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp, nền tảng công nghiệp cơ khí, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Đây là thế mạnh của nước ta và các nước trên thế giới đang bị khủng hoảng lương thực”, ông Ngân nhận định.
Dự đoán tỷ lệ lạm phát năm 2022, ông Ngân đánh giá: "Tùy vào việc có hành động để kiểm soát giá hay không. Nếu không hành động, không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng thì lạm phát có thể vượt qua 6%, còn hành động thì kiểm soát giá ở 4-5%. Còn tăng trưởng GDP thì khả thi, từ 6,5% trở lên".