Cần các cơ chế đột phá để 'khoác tấm áo mới' cho các dự án giao thông huyết mạch
(DNTO) - Các chuyên gia nhận định, việc đầu tư triển khai các Dự án đường vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 vùng Thủ đô không chỉ cần thiết mà còn là cấp thiết. Tuy nhiên, để các dự án giao thông huyết mạch thực sự là bệ phóng cho sự phát triển kinh tế xã hội, rất cần các cơ chế đặc thù.
Tạo sức bật cho nền kinh tế cất cánh trong thời gian tới
Phát triển hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định và dành nhiều nguồn lực, thời gian, công sức, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông vận tải.
Cùng với nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai để hiện thực hóa mục tiêu trên, Dự án đường Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội là một trong những dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng cũng đang tích cực được triển khai đầu tư.
Chia sẻ tại Tọa đàm: "Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá", ngày 4/5, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm, cho rằng, việc triển khai tuyến đường này có ý nghĩa rất to lớn trong việc giải quyết ùn tắc giao thông vùng nội đô các tỉnh, từ đó hoàn thành hệ thống cao tốc đi các nước bạn, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
"Chỉ số về hạ tầng đường bộ của chúng ta thấp so với thế giới. Vì vậy, triển khai và đồng bộ hệ thống cao tốc đô thị Vành đai 3 của TP.HCM và Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội không những giải quyết vấn đề giao thông, mà còn đóng góp phần rất lớn đến phát triển bền vững kinh tế của TP.HCM và các tỉnh trong vùng", ông Lâm nhận định.
Nêu quan điểm, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, một trong nguyên nhân lâu nay vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam song chưa tận dụng hết lợi thế vốn có để bứt phá là vướng điểm nghẽn hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối.
“Nói đến ĐBSCL là nhắc đến những vựa nông sản, tuy nhiên sản xuất nông sản ở đây chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, vẫn thiếu công nghiệp chế biến để nâng tầm. Chính vì vậy, khi giao thông phát triển, bài toán về công nghiệp chế biến công nghệ cao chắc chắn sẽ được giải quyết. Bởi, khi có những tuyến cao tốc, nhà đầu tư chắc chắn sẽ tìm đến”, ông Ngân nói.
"Khi hoàn thiện được tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM…, chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển trong vùng. Hạ tầng giao thông tốt sẽ giảm được chi phí logictics, từ đó lan tỏa sức hút đầu tư, khai thác được thế mạnh của các tỉnh, không còn tập trung ở TP.HCM. Ngoài ra, một khi giao thông được đầu tư đúng mức cũng sẽ kéo theo du lịch phát triển, mà du lịch thì vùng này có quá nhiều lợi thế”, ông Ngân nhìn nhận.
Nhận định đây là thời điểm "chín muồi", để triển khai làm 2 đường vành đai, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá: "Việc đưa ra quyết định phải làm 2 tuyến đường của Chính phủ thể hiện tầm nhìn khác trước. Đây là hai trong năm dự án ưu tiên hàng đầu của quốc gia về giao thông.
"Việc đặt ra ưu tiên như vậy và đưa thành nhiệm vụ cấp bách quốc gia cũng như chuyển hướng chiến lược nhằm phát triển Vùng Thủ đô và Vùng TP.HCM, cả hai trung tâm tăng trưởng bậc nhất, không chỉ mục tiêu kinh tế mà cả không gian đô thị, tầm cao đô thị phát triển. Đấy là ý đồ của Chính phủ. Sau thời gian 2 năm Covid-19 chúng ta phục hồi lại thì mượn sức này tạo ra đột phá. Thời điểm này có giá trị thúc đẩy rất lớn", ông Thiên cho hay.
Rất cần các cơ chế đặc thù "đi trước đón đầu"
Theo các chuyên gia, hiện nay, khó khăn lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng, hệ lụy dẫn tới là chậm tiến độ, giải ngân thấp… Theo đó để bảo đảm việc lựa chọn được đơn vị có năng lực và rút ngắn được tiến độ, bảo đảm chất lượng dự án, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, cho rằng: "Trong các nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù, với công tác giải phóng mặt bằng, ngoài việc tách ra là dự án độc lập, thực hiện trước và sớm thì có thêm cơ chế cho phép chỉ định thầu một số nội dung công tác giải phóng mặt bằng.
"Ở đây có thể hình dung 2 công việc chủ chốt áp dụng hình thức chỉ định thầu: Một là di dời các hạ tầng kỹ thuật tại khu vực cần phải giải phóng. Ở đây có hạ tầng về điện, nước, viễn thông… tất cả hạ tầng này yêu cầu về mặt chuyên ngành rất cao, thường các đơn vị liên quan trực tiếp đến ngành, lĩnh vực đó mới có thể thực hiện được.
Việc thứ hai là tái định cư. Việc xây dựng khu tái định cư bắt buộc phải làm rất nhanh để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nếu làm chậm công tác này, đất đã lấy của người dân rồi mà người dân vẫn chưa có nơi ở ổn định thì rất bất cập. Đó là điều hết sức quan tâm trong giải phóng mặt bằng", ông Phương nêu rõ.
Nêu quan điểm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, cho rằng: Đối với cơ chế nguồn vốn cho đầu tư, nên cho sử dụng linh hoạt nguồn vốn của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để phát triển dự án. Đồng thời, cho phép tăng tổng mức đầu tư trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tạm thu của các địa phương
"Xin phép Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để các địa phương vay lại nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ giải ngân cho dự án, đặc biệt trong giai đoạn 2024-2025. Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu ngân sách địa phương, bao gồm nguồn thu sử dụng đất để hoàn trả ngân sách địa phương trong giai đoạn 2026-2030", ông Thọ đề xuất.
Cho rằng, Dự án xây dựng Vành đai 4 vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư lớn. Để đảm bảo cấn đối nguồn lực thực hiện trong giai đoạn này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn kiến nghị dự án nên thực hiện theo hình thức đầu tư công kết hợp với đầu tư PPP để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.
Do đó ông Tuấn nhận định: "Cần cơ chế thống nhất cao coi Vành đai 4 là dự án đầu tư tổng thể trên cơ sở chia làm 3 nhóm. Đối với giải phóng mặt bằng đã vượt qua khó khăn. Đây là chìa khóa quyết định để triển khai dự án này".