Cầu nối kinh tế khi cầu Thủ Thiêm đi vào hoạt động
(DNTO) - Từ 15g ngày 28/4, cầu Thủ Thiêm 2 chính thức được đưa vào hoạt động. Đây là cầu nối kinh tế phía Đông Sài Gòn với các quận trung tâm của TP.HCM.
Theo đó, cầu Thủ Thiêm 2 đã được chính thức đưa vào hoạt động đi lại sau 7 năm xây dựng. Đây là công trình được đánh giá sẽ tạo tuyến kết nối kinh tế - xã hội giữa khu đô thị trung tâm và khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được đầu tư phát triển nhanh chóng.
Cầu có kiến trúc độc đáo, kết cấu dây văng "hai mặt phẳng dây" với chiều dài 200m và 1 trụ tháp dạng "đầu rồng" bố trí lệch về phía Thủ Thiêm. Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật đang được nghiên cứu đầu tư trong thời gian tới sẽ làm công trình trở thành biểu tượng kiến trúc, tạo thêm vẻ đẹp mỹ quan đô thị và cảnh quan trung tâm thành phố.
Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, đây là một trong những công trình trọng điểm của thành phố được hoàn thành, khởi công dịp lễ 30/4 và 1/5. Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ góp phần phát triển khu đô thị phía Đông và cũng là điểm nhấn kiến trúc trong tổng thể cảnh quan sông Sài Gòn.
Có thể nói, dự án này sẽ làm giảm ùn tắc tại khu trung tâm, rút ngắn thời gian đi lại giữa TP. Thủ Đức và Quận 1. Từ đó, tạo động lực phát triển kinh tế cho khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bên cạnh đó, khi cầu được đưa vào hoạt động sẽ giúp hoàn thiện về mạng lưới giao thông của thành phố, tạo liên kết hệ thống trục chính giao thông của TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ. Cầu Thủ Thiêm 2 cùng với hầm Thủ Thiêm và cầu Thủ Thiêm 1 sẽ hoàn thành mạng lưới giao thông và thu hút nhiều nguồn đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Từ khi dự án cầu Thủ Thiêm 2 được thi công khiến thị trường bất động sản của khu vực Thủ Thiêm và những khu lân cận trở nên sôi động hơn, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chóng gia nhập thị trường này và đã có một số dự án được ra mắt, tiến hành thi công gấp rút.
Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố sẽ đề ra mục tiêu xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm thành một trung tâm công nghệ văn minh - hiện đại, trung tâm tài chính, dịch vụ thương mại cao cấp. Tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế và tạo sự chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ của thành phố.
Toạ lạc trên bán đảo bờ Đông Sài Gòn, khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích 657 ha, được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1996. Với mục tiêu quy hoạch mới hoàn toàn, đồng bộ, hiện đại, mật độ xây dựng thấp, mật độ diện tích cây xanh và mặt nước lớn, đây được kỳ vọng là trọng điểm đô thị mới của TP. Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung.
Với vai trò là trọng điểm trung tâm kinh tế phía Nam, TP.HCM là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong khu vực, trong thời gian tới sẽ được Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục chú trọng phát triển đối với khu vực này.
Trong đó, đầu tư hoàn thiện các tuyến đường vành đai, cao tốc như: vành đai 3, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành - Thủ Dầu Một... trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 để tạo các tuyến giao thông liên kết vùng huyết mạch.
Để nhanh chóng hoàn thành, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các cơ quan bộ ngành cần tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc mà UBND TP.HCM báo cáo, kiến nghị. Qua đó, kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện để thành phố phát triển như mong đợi.
Ngoài ra, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ cùng với công viên Bến Bạch Đằng, bến xe buýt đường sông tạo thành một cảnh quan du lịch mới mẻ. Từ đó, tạo ra cụm công trình được kỳ vọng sẽ phát triển thành biểu tượng của thành phố văn minh và hiện đại trong tương lai.