Tuyến metro số 1 và cầu Thủ Thiêm 2 tác động như thế nào đến bất động sản phía Đông?
(DNTO) - Theo CBRE, việc thành lập thành phố phía Đông bằng cách sử dụng các lợi thế hiện hữu để tạo ra các trung tâm hành chính, trung tâm sáng tạo, trung tâm công nghệ sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho TP.HCM về hướng Đông.
Đây sẽ là điểm trung tâm kết nối TP.HCM với khu vực Đồng Nai và sân bay Quốc tế Long Thành đang được đền bù; với khu vực Bình Dương là trung tâm công nghiệp của phía Nam. Thêm vào đó, hệ thống hạ tầng như tuyến metro số 1, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được hoàn thành cộng với nguồn nhân lực dồi dào sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư cho cả thành phố, giúp thúc đẩy kinh tế của cả khu vực.
Đối với thị trường bất động sản thì đây là một tin đáng mừng vì giá trị dự kiến sẽ gia tăng nhiều hơn trong tương lai khi những cơ sở hạ tầng được hoàn thiện. Đồng thời, kết nối tốt giúp xu hướng lan rộng ra vùng ven trở nên mạnh mẽ hơn với các dự án Bất động sản thương mại và nhà ở.
Khi tuyến metro số 1 và cầu Thủ Thiêm 2 được hoàn thiện, nhiều gia đình trẻ, những tòa nhà văn phòng cũng như những đơn vị bán lẻ sẽ tích cực dịch chuyển ra phía Đông. Hiện tại, tuyến metro số 1 dự kiến sẽ hoàn thiện 85% trong năm 2020 và đi vào hoạt động trong quý 4/2021.
Một khi dự án hoàn thành, kết nối giữa quận 2, 9 và Thủ Đức với trung tâm TP.HCM sẽ tốt hơn, kéo theo đà tăng giá bất động sản tại khu vực này. Dữ liệu của CBRE cho thấy, tốc độ tăng giá tại thành phố phía Đông, đặc biệt là quận 2, bắt đầu tăng nhanh từ khi tuyến metro số 1 được đẩy mạnh xây dựng từ 2015, và số lượng căn bán được tăng 4 lần so với giai đoạn 2010 - 2014.
Từ năm 2015 – 2020, giá bán căn hộ cao cấp tại quận 2 tăng trung bình 7,3% mỗi năm, vượt ngưỡng mức tăng trung bình của toàn thị trường. Mặc dù vậy, bất động sản căn hộ tại khu vực này vẫn còn nhiều tiềm năng tăng giá trong tương lai. Từ năm 2018, giá trên thị trường thứ cấp đã tăng đáng kể khi tuyến metro đang dần hoàn thiện, với mức giá chào bán cao hơn 25-75% so với giá bán khởi điểm.
Xét về lượng giao dịch, số căn bán được trên thị trường sơ cấp tăng đáng kể từ khi tuyến metro số 1 dần hình thành phần trên cao từ năm 2015. Lượng giao dịch trong năm từ 2015 - 2019 đạt gần 26.500 căn hộ so với số lượng giao dịch của trong 10 năm từ 2004 - 2014 chỉ khoảng 11.700 căn hộ. Mức tăng đáng kể nhất trong giai đoạn 2015 - 2019 so với 2004 - 2014 được ghi nhận tại quận 9 với mức tăng số căn bán được trên thị trường sơ cấp hơn 9 lần.
Trong quý 3/2020, lượng giao dịch mặc dù không cao bằng năm 2019 nhưng quận 9 vẫn là quận có lượng giao dịch nhiều nhất, chiếm 92% tổng số lượng căn hộ bán được trong quý.
Bà Đặng Phương Hằng, Tổng Giám Đốc CBRE Việt Nam cho biết: “Hiện tại, giá đất dự án trung bình tại khu vực quận 2 và quận 9 đã tăng 30 - 50% so với năm 2018, đặc biệt là khu vực Thủ Thiêm với giá đất trung bình đã tăng gấp đôi. Tốc độ tăng giá đất chóng mặt tại khu Đông thành phố là một thách thức rất lớn cho các chủ đầu tư”.
Thủ Thiêm dự kiến sẽ trở thành điểm sáng của thành phố phía Đông khi được ví như Phố Đông của thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Thủ Thiêm được định hướng trở thành trung tâm tài chính và thương mại mới của TP.HCM trong tương lai.
Với hệ thống đường xá và những dự án thương mại quy mô lớn thì sự hình thành của khu đô thị mới này sẽ giúp thay đổi diện mạo của toàn thành phố. Các dự án tương lai tiêu biểu ở Thủ Thiêm có thể kể đến như Metropole, Empire City, The River và EcoSmart City.
Mặt hạn chế
Trong thời gian sắp tới, với những định hướng phát triển rõ ràng, thành phố phía Đông sẽ được chú trọng hơn cho việc nâng cấp, xây dựng và quy hoạch cơ sở hạ tầng. Giá trị bất động sản tại khu Đông cũng sẽ tăng cao, đặc biệt là khu Thủ Thiêm. Tuy nhiên, một số những công trình xây dựng cầu đường kết nối vẫn bị trì hoãn như cầu Thủ Thiêm 2 có thể làm trì trệ các dự án thương mại.
Ngoài ra, khi giá trị bất động sản tăng quá cao thì khoảng cách giữa tài sản và những người có nhu cầu ở thực sẽ càng xa. Vì vậy, những dự án nhà ở và căn hộ ở những vị trí có giá cao sẽ mất khá lâu để cư dân về ở.
Khu vực lân cận được dịp “ăn theo”
Với việc hình thành thành phố phía Đông với các trung tâm hành chính, sáng tạo và công nghệ mới ra ngoài khu trung tâm sẽ thúc đẩy quá trình phát triển hành lang đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD – Transit Oriented Development) kết nối từ khu trung tâm TP.HCM đến khu Đông và tỉnh Đồng Nai.
Sân bay quốc tế Long Thành tại Đồng Nai, và thành phố công nghiệp Bình Dương là những khu vực mở rộng khi phát triển thành phố khu Đông. Theo dữ liệu của CBRE, giá bán sơ cấp căn hộ tại Bình Dương đạt 1.200 USD/m2 trong quý 3/2020, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án nhà ở tại khu vực Long Thành và Nhơn Trạch ở Đồng Nai cũng ghi nhận mức giá tăng trong giai đoạn 2018-2020.