Từ ý tưởng đến hiện thực là khoảng cách khá xa

(DNTO) - Một nhóm nam sinh tự lên ý tưởng và rủ nhau đi quay clip về việc cứu người tự tử với mục đích truyền tải thông điệp "Facebook có lợi hay có hại". Nhưng không may bị đuối nước khiến 2 người thiệt mạng. Hiện trường là một hồ nước ở huyện Thạch Thất - Hà Nội. Mới hay, mọi thành công đều bắt nguồn từ một ý tưởng tốt. Nhưng để biến ý tưởng thành hiện thực, đòi hỏi phải trang bị một bộ kỹ năng vững chắc.
Mới đây, một nhóm bạn nam trẻ gồm 4 người đến khu vực đập Quán Trăn thuộc hồ Tân Xã, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất - Hà Nội để dựng cảnh quay clip với nội dung cứu người tự tử nhằm truyền đi thông điệp "Facebook có lợi hay có hại".
Một bạn phụ trách quay clip ở trên bờ, nhận thấy ba bạn đang diễn dưới sông có dấu hiệu bị đuối nước. Nam sinh này đã chạy đi gọi người cứu. Kết quả một bạn may mắn thoát nạn được đưa đi cấp cứu, hai bạn còn lại tử vong.

Đập Quán Trăn thuộc hồ Tân Xã, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất - Hà Nội nơi hai bạn sinh viên bị đuối nước khi dựng cảnh quay clip. Ảnh: Internet
Được biết các nạn nhân là sinh viên năm nhất của một trường đại học tại Hà Nội, đại diện trường đại học này khẳng định đây là một sự việc đáng tiếc, là mất mát của gia đình, nhà trường. Tuy nhiên vị này cũng cho biết, đây là việc làm tự phát của nhóm bạn chứ không nằm trong chương trình học của nhà trường. Thời gian các bạn quay clip nằm ngoài thời gian học chính khóa trên trường.
Để một ý tưởng đẹp trở nên khả thi
Sự thành công bao giờ cũng bắt đầu bằng một ý tưởng. Đó có thể là một ý tưởng đơn giản cũng có thể là một ý tưởng táo bạo cần đầu tư công sức, tiền của, trí tuệ. Đó có thể là ý tưởng của cá nhân cũng có thể là ý tưởng chung của một nhóm, một tập thể.
Cho dù thế nào đi nữa, để một ý tưởng trở nên khả thi và biến thành hiện thực, chúng cần ở người thực hiện rất nhiều kỹ năng mới mong đi đến thành công. Đồng thời tránh được rủi ro thậm chí rủi ro đến tính mạng như trường hợp nêu trên.
Theo các chuyên gia, kỹ năng này bao gồm khả năng lập kế hoạch, tổ chức công việc, quản lý nguồn lực, giải quyết vấn đề và kỹ năng thích ứng với tình huống thay đổi.
Với mong muốn thuyết phục người khác tin và ủng hộ, cùng với niềm tin vào sự tốt đẹp của ý tưởng, các bạn đánh mất kỹ năng đánh giá sự việc một cách khách quan. Các bạn chủ quan trong đánh giá năng lực cá nhân, không lường đến những trở ngại bất ngờ vào phút cuối, xem thường quy định, bất chấp biển báo cấm bơi ở khu vực nơi xảy ra sự việc.

Bất chấp biển báo cấm bơi ở khu vực nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Internet
Đừng để nút “like” điều khiển bạn.
Còn nhớ trào lưu liều mạng “Đủ like là làm” như sẽ tự thiêu nếu đủ 40.000 like; Sẽ up clip sexy dance nếu được 2.000 like; Hay chỉ cần 10 like sẽ phóng cả người và xe xuống cống”... đã một thời làm hoang mang dư luận vì thách thức thì ảo nhưng chết là thật.
Tuy mức độ có nhẹ nhàng hơn nhưng thời gian qua, nhiều clip dàn dựng nhằm mục đích câu like bất chấp vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, thậm chí coi rẻ sinh mạng của chính mình vẫn thường xuyên xảy ra.
Ngang nhiên chiếm dụng lòng đường để quay clip tập yoga "câu view", "sống ảo", hình thành một trào lưu nguy hiểm; Tạo dáng ở bãi đáp máy bay, ngồi trên băng chuyền hành lý... Liều mình bất chấp địa hình hiểm trở để chụp cho được những bức ảnh độc lạ để “cúng phây”, leo lên mái nhà quay clip đăng TikTok dẫn đến tử vong… là những vụ việc vụ đã xảy ra trong thực tế.
Trở lại vụ 2 sinh viên tử vong vì đuối nước, do cảnh tự tử để quay clip, tại đập Quán Trăn, mong rằng đây là bài học cảnh tỉnh cho mọi người nhất là giới trẻ. Sinh mạng con người rất quý, đừng đánh đổi giá trị bản thân bị bằng sự cám dỗ bởi nút “like”. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng phân biệt kỹ giá trị thật - giả, đúng - sai trước khi hành động.
Mùa hè, thời điểm "nóng" xảy ra đuối nước
Mùa hè thường là thời điểm xảy ra tai nạn đuối nước, cướp đi sinh mạng của trẻ em từ 5 - 14 tuổi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở lứa tuổi này.

Mùa hè, thời điểm ‘nóng’ xảy ra đuối nước. Ảnh: Internet
Năm nào học sinh sắp sửa nghỉ hè, chính quyền, các cơ quan chức năng, đoàn thể xã hội cũng lên tiếng cảnh báo sự nguy hiểm của việc tắm sông, suối, ao hồ. Các nhà chuyên môn cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho cộng đồng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên; Công tác tuyên truyền cũng được cơ quan truyền thông đẩy mạnh… Tuy nhiên tình trạng đuối nước vẫn xảy ra với con số hàng trăm vụ và nhiều vụ để lại hậu quả rất đau lòng.
Để đảm bảo an toàn hiệu quả cho trẻ em trong mùa hè trước tai nạn đuối nước, ngay từ trong gia đình, việc giám sát trẻ phải nghiêm ngặt, trang bị cho trẻ các kiến thức và kỹ năng cần thiết về đuối nước và cứu hộ đuối nước. Biện pháp về lâu dài là tập cho tất cả trẻ em trong nhà biết bơi thành thạo từ sớm.