Mùa hè sắp đến, hãy bảo đảm an toàn cho trẻ trước tai nạn đuối nước
(DNTO) - Hầu như ngày nào chúng ta cũng nghe thông tin về những cái chết thương tâm do tai nạn đuối nước. Nạn nhân đa số là các em nhỏ. Trong đó, có nhiều trường hợp tử vong là do cứu người đuối nước.
Mới hôm qua (17/4), vào khoảng 9h30 sáng tại thôn Long Đại, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình,) hai chị em sinh đôi cùng 9 tuổi, không có bố mẹ ở nhà, rủ nhau ra chỗ ao nước trước nhà chơi. Không may cả hai cháu bị trượt chân rơi xuống ao và tử vong vì đuối nước.
Cũng tại Quảng Bình (Đồng Sơn, TP Đồng Hới) cách 2 tuần trước, cũng hai chị em (14 tuổi và 9 tuổi) đi bắt ốc không may bị đuối nước tử vong.
Chiều tối ngày 14/ 4, lực lượng chức năng xã Đào Xá (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) cũng đã ráo riết tìm kiếm 2 học sinh Trường THCS Đào Xá bị đuối nước và mất tích khi tắm sông Đà...
Trong thực tế, tử vong không chỉ xảy ra với người đuối nước mà rất nhiều trường hợp, người cứu nạn cũng tử vong do không biết bơi mà vẫn liều mình cứu bạn. Đó là trường hợp của em Trần Duy Khánh học sinh lớp 10 (thôn Hương Quế Đông, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam), không biết bơi nhưng vẫn lao xuống cứu bạn bị đuối nước dẫn đến cả hai tử vong.
Thậm chí, kể cả người bơi rất giỏi vẫn tử vong trong khi cứu người đuối nước. Đó là trường hợp em Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Đô Lương, Nghệ An. Sau khi vật lộn với dòng nước chảy xiết cứu được 4 em nhỏ bị đuối nước đưa vào bờ, Nam quay ra cứu thêm một em nữa dìu được vào gần đến bờ thì kiệt sức bị nhấn chìm và tử vong.
Câu chuyện xảy ra đã nhiều năm nhưng nhiều người vẫn còn nhớ vì nó từng một thời khiến dư luận cả nước quan tâm. Em Nguyễn Văn Nam sau đó đã được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Dũng cảm. Câu chuyện được lấy làm đề thi môn Văn học trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm đó. Và hiện vẫn còn được lưu trữ trong Wikipedia.
Các sự việc được ghi nhận trên đây làm nổi rõ lên mấy vấn đề quan tâm đối với tai nạn đuối nước: Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hơn 50% người chết đuối là trẻ em. Có thời điểm, trung bình mỗi ngày có từ 9 - 10 trẻ và trẻ vị thành niên chết đuối (tỷ lệ cao nhất so các nước trong khu vực). Nguyên nhân chính là do trẻ không biết bơi, thường hay tụ tập vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ... Do người lớn không quan tâm, giám sát chặt chẽ. Do người tham gia cứu nạn đa số là làm theo bản năng, quán tính chứ không được trang bị kỹ năng.
Đã đến lúc cần coi môn bơi lội là một môn học chính khóa trong nhà trường, song song với việc dạy bơi, cần trang bị cho các em các kiến thức xử lý tình huống khi cứu người đuối nước, ngay cả với khi các em đã biết bơi thậm chí bơi rất giỏi. Vì không phải ai biết bơi cũng biết cách cứu người đuối nước. Đặc biệt ở các vùng miền có nhiều địa hình dễ gây ra nguy cơ đuối nước.
Cuối cùng là việc khen thưởng cho người có công cứu nạn nhân đuối nước. Việc khen thưởng người có thành tích là cần thiết, để động viên cá nhân và nhân rộng mô hình ra xã hội. Tuy nhiên, có những trường hợp chúng ta cần hết sức cân nhắc.
Điển hình là việc một học sinh lớp 3 của Trường Tiểu học Ia Pết (xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) khi thấy bạn bị đuối nước dưới hồ sâu đã không ngần ngại nhảy xuống cứu. Hành động dũng cảm của em đã được nhà trường tổ chức tuyên dương, khen thưởng rầm rộ.
Trong vụ Trần Duy Khánh ở Quảng Nam, không biết bơi nhưng vẫn lao xuống cứu bạn bị đuối nước dẫn đến cả hai tử vong nói ở trên cũng được Tỉnh đoàn Quảng Nam và Trung ương Đoàn truy tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.
Như chúng ta biết, ngay cả người lớn biết bơi khi cứu người đuối nước sự sống và cái chết với họ cũng rất mong manh, huống hồ là một học sinh lớp ba (khoảng 9 tuổi), sự rủi ro khi lao xuống cứu bạn là rất lớn. Với các em không biết bơi sự rủi ro càng lớn, hầu như là 100%.
Tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình trong các trường hợp như trên là lợi bất cập hại, là đánh đồng lòng dũng cảm với sự liều mạng, là khuyến khích cổ vũ cho những hành động mù quáng mang tính chất “anh hùng” theo ý nghĩa sai lệch.
Bây giờ đã là cuối tháng tư, trước mắt chúng ta là mùa hè, là mùa trẻ nhỏ được nghỉ học và vui chơi, nhất là được về quê nghỉ ngơi, thăm thú ông bà. Các bậc cha mẹ hãy hết sức quan tâm đến sự an toàn của con em mình trước tai nạn đuối nước.