Học sinh được đi học trở lại, niềm vui không của riêng ai
(DNTO) - Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán nối dài thêm kỳ nghỉ vì dịch bệnh, hôm nay các em học sinh được quay trở lại trường lớp. Sự kiện này đã mang đến niềm vui cho tất cả mọi người.
Niềm vui được trở lại trường lớp của học sinh…
Không kể các bé ở tuổi mầm non mỗi lần đi học “Mẹ dắt tay đến trường /Em vừa đi vừa khóc…”. Còn lại hầu như khi nghe được đi học trở lại, các em đều vui mừng. Niềm vui lớn nhất của các em là được trở lại trường lớp, được gặp lại bạn bè… cùng nhiều niềm vui tuổi thơ nơi mái trường mà chắc chắn không một ai trong chúng ta không xem đó là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời mình. Đến nỗi “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn” đã trở thành câu hát bất hủ với thời gian.
Nghỉ hè được xem là thời gian cho trẻ nghỉ ngơi giữa các năm học nhằm tái tạo năng lượng, cho trẻ có thời gian hoạt động thể chất, rèn luyện kỹ năng sống bằng rất nhiều hoạt động vui chơi, được về quê, được đi du lịch… Ấy vậy mà các em vẫn thấy luyến nhớ “Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương”. Huống gì, thời gian các em nghỉ học vì dịch hoàn toàn khác thời gian nghỉ hè. Chỉ quanh quẩn ở nhà, tù túng bức bối. Nhất là phải học online – một phương pháp học tập còn rất mới mẻ ở nước ta mà hầu hết học sinh, phụ huynh và cả thầy cô giáo đều phải vất vả và không hề thú vị gì với nó, không kể theo nhiều nhận định đây là phương pháp dạy và học rất ít hiệu quả.
Cho nên được đến trường sau thời gian nghỉ vì dịch bệnh là niềm vui không tả xiết với tất cả các cô cậu học trò.
Thầy cô giáo cũng vui…
Tất nhiên được đi dạy trở lại là niềm vui rất lớn của thầy cô giáo. Không kể nỗi nhớ nghề, nhớ trường lớp, nhớ học trò, việc gián đoạn học tập còn là nỗi lo rất lớn của thầy cô giáo vì nó làm xáo trộn chương trình học, ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh.
Tuy các em vẫn được học trực tuyến nhưng giáo viên tỏ ra lo lắng học kiểu này học sinh dễ chểnh mảng, không tập trung nên hiệu quả không cao. Ngoài ra, cũng như học sinh cả thầy cô giáo đều còn lúng túng với hình thức dạy trực tuyến nên một số còn thấy khó khăn trong việc truyền tải nội dung bài học.
Vui mừng nhất thuộc về phụ huynh
Không thể phủ nhận, việc học sinh - nhất là học sinh mầm non và tiểu học – bị nghỉ học dài ngày trong khi phụ huynh vẫn phải đi làm đã gây ra không ít xáo trộn cho nhiều gia đình nhất là các gia đình hạt nhân ở thành thị. Xáo trộn rõ nhất là công việc làm của bố mẹ. Với những người làm nghề tự do, vợ chồng phải phân công ai ở nhà trông con ai đi làm, ai hỗ trợ con học bài, ảnh hưởng đến thu nhập là không tránh khỏi. Còn với những người làm công ăn lương, phải tìm chỗ gửi con hoặc nhờ ông bà lên trông cháu. Nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để đáp ứng.
Việc học trực tuyến không hiệu quả cũng là lý do khiến phụ huynh sốt ruột, sợ lâu ngày các con sẽ quên kiến thức, học hành sa sút, ảnh hưởng đến các kỳ thi…
Chưa kể với trẻ mầm non hoặc tiểu học, trên lớp trẻ rất nghe lời cô giáo nhưng về nhà lại không nghe lời bố mẹ, bố mẹ lại không có phương pháp sư phạm nên giảng mãi mà con vẫn không hiểu bài, ở trên lớp con ăn uống rất dễ nhưng về nhà cái gì cũng không ăn…
Được quay lại với công việc bình thường, bớt đi gánh nặng nỗi lo ảnh hưởng đến việc học tập và sức khỏe của con là điều khiến cho các bậc phụ huynh vui mừng nhất trước tin học sinh sẽ được đi học trở lại sau những ngày nghỉ vì dịch bệnh.
Bên cạnh niềm hân hoan sung sướng vì các lẽ ở trên, một số phụ huynh đã không ngần ngại bày tỏ sự vui mừng rất “khác biệt” của mình với đủ các trạng thái, các ngôn từ tràn lan trên các trang mạng xã hội. Ví dụ như: “Sau một thời gian vật lộn với đám tiểu quỷ, đây mới chính là thời gian thiên đường nghỉ ngơi...”; “Chào mừng ngày 1/3 - ngày giải phóng phụ huynh Việt Nam”; "Anh ơi mùa xuân đến rồi đó. Nó ở luôn đến chiều mới về"; “Không gì mừng bằng "tống" được các con đi học”... “Cuối cùng mọi thứ đã qua đi. Phụ huynh xứng đáng với những ngày tháng thảnh thơi phía trước...”.
Các con được đi học trong tình huống như thế này thật sự là nỗi vui mừng cho tất cả mọi người bên cạnh nỗi mừng vui vì dịch bệnh trước mắt đã được kiểm soát. Niềm vui kép này thật đáng hân hoan nhưng cũng đừng “phấn khích” theo kiểu như trút được gánh nặng vì phải trông con vất vả. Đừng để các con có cảm giác bố mẹ vui mừng vì “thoát” được chúng.