Không chỉ có người lớn mới bị stress, trẻ em cũng đang gánh nặng nhiều áp lực
(DNTO) - Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Ở Việt Nam, những cảnh báo mới đây cũng cho thấy, trầm cảm đang có khuynh hướng xảy ra ngày càng phổ biến với các trẻ lứa tuổi vị thành niên.
Chiều muộn, chị Nga tất tả đến trường đón con. Bé Bo, con trai chị, học lớp 4 một trường tiểu học gần nhà. Nhìn vào chỗ băng đá, nơi Bo vẫn hay ngồi chờ mẹ, trống quơ, chị Nga ngó quanh quất gọi Bo ơi! Không nghe tiếng trả lời, chị hớt hải chạy vào phòng bảo vệ, rồi phòng ban giám hiệu. Sau khi vòng quanh ngõ ngách trong khuôn viên trường, lật tung cả nhà kho và các phòng vệ sinh vẫn không tìm thấy Bo, chị Nga nước mắt ngắn dài, bấm điện thoại gọi hết hai bên nội ngoại vào cuộc.
Phố đã lên đèn, mọi người càng sốt ruột. Sau một hồi suy tính, phân tích tình hình tỉ mỉ, ông nội Bo một mạch phom phom băng qua công viên gần đó. Phát hiện Bo đang ngồi thu lu một mình trên băng đá dưới một gốc cây tán rộng. Trong cảnh tranh tối tranh sáng nhưng ông nội vẫn nhận ra Bo. Ông chạy lại ôm cháu và lấy điện thoại ra thông tin cho mọi người.
Theo quy ước giữa người lớn trong nhà, không ai được rầy la quát mắng Bo. Ông nội lãnh trách nhiệm đóng vai trò chuyên gia tâm lý làm công tác tư tưởng với Bo. Sau khi tắm rửa, ăn uống xong, hai ông cháu lên phòng, ông mới thỏ thẻ hỏi vì sao Bo không ngồi chờ mẹ đón về như mọi hôm mà lại ra công viên ngồi. Bo trả lời tỉnh rụi nhưng ông nội thì đứng hình hết mấy giây: “Tại vì con muốn đi tìm phút giây yên tĩnh”.
Thì ra hôm nay cô giáo cho cả lớp ôn bài để chuận bị thi học kỳ hai. Đa số các bạn không làm được bài, cô hỏi gì cũng không trả lời được. Chỉ có Bo và mấy bạn nữa là ra kết quả đúng. Nhưng cô giáo nổi giận “chửi” chung cả lớp chứ đâu có chừa ai. Cả buổi học toàn nghe cô mắng nhiếc, la lối. Nghĩ tới cảnh về nhà lại bị mẹ tra hỏi ra rả thế này, thế nọ (mẹ Bo vốn tính hay càm ràm), Bo thấy sợ, thấy chán, Bo muốn qua công viên ngồi “tìm phút giây yên tĩnh”.
May mà Bo chỉ đi “tìm phút giây yên tĩnh” chứ không có hành động dại dột bỏ nhà đi hay thậm chí tự tử như một số trường hợp được thông tin trên báo đài và các trang mạng xã hội thời gian vừa qua.
Chúng ta vẫn thường nghe người lớn than phiền áp lực cuộc sống ngày càng khiến họ căng thẳng, thậm chí có nhiều người không vượt qua được, mắc phải căn bệnh trầm cảm. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Trong đó trầm cảm ở Việt Nam hiện nay đang có chiều hướng gia tăng đặc biệt là trong giới trẻ.
Nhưng những cảnh báo mới đây cho thấy trầm cảm đang có khuynh hướng xảy ra ngày càng phổ biến với các trẻ lứa tuổi vị thành niên. Ai cũng biết trẻ em trong độ tuổi ẩm ương, bản thân nó đã tạo nên sự xáo trộn tâm sinh lý rất lớn cho trẻ. Huống gì ngày nay trẻ còn phải đương đầu với một cuộc sống đầy áp lực không thua gì người lớn.
Ở các thành phố lớn như TP.HCM, tuyệt đại đa số các gia đình hiện nay theo mô hình gia đình vệ tinh tức là chỉ có bố mẹ và con, khác xa với mô hình đại gia đình sống chung nhiều thế hệ. Bố mẹ suốt ngày ở cơ quan. Thời gian dành cho trẻ rất ít. Sự tương tác giữa con cái và bố mẹ thường chỉ xoay quanh vấn đề học tập, ăn uống vệ sinh… mà ít khi đi vào tâm tư tình cảm của con trẻ. Trẻ bị bố mẹ “bỏ quên” sẽ nương náu vào không gian mạng, là nơi mà sự kết nối giữa thực và ảo đôi khi trẻ còn chưa đủ nhận thức để phân định. Cho nên cô đơn là trạng thái mà rất nhiều trẻ em hiện nay gặp phải.
Cách mà các em giải tỏa nỗi cô đơn trong gia đình của chúng thường là đến trường gặp gỡ thầy cô bạn bè - nhất là các em trong độ tuổi cuối cấp hai đầu cấp ba, là lứa tuổi “mang nhiều tâm sự”- Nhưng quỹ thời gian của thầy cô giáo bây giờ cũng rất eo hẹp. Lên lớp phải chạy theo thời lượng bài giảng, phải tuân thủ chương trình học, phải chạy theo chỉ tiêu, thành tích. Ngoài giờ phải “chạy sô” nhiều nơi để kiếm thêm thu nhập… Áp lực chỉ tiêu thành tích của thầy cô giáo, của nhà trường là một sức nặng kinh khủng mà người gánh chịu chính là học sinh.
Áp lực công việc, áp lực cuộc sống mà người lớn phải chịu đựng đôi khi khiến họ vô tình trút vào trẻ con như một cách “giận cá chém thớt” mà không biết rằng sự cam chịu oan ức là một thứ vũ khí thầm lặng rất nguy hiểm. Vụ việc em nữ sinh lớp 10 ở An Giang tự tử khiến nhiều người day dứt xảy ra mới đây là một ví dụ.
Tóm lại, đừng tưởng chỉ có người lớn mới bị stress, trẻ em cũng đang gánh nặng nhiều áp lực. Các ông bố bà mẹ trẻ, hãy bớt những cuộc tiệc tùng, tụ tập, hãy buông điện thoại xuống, hãy dành nhiều nhất thời gian có thể cho con cái. Các thầy cô giáo hãy là những ông bố bà mẹ thứ hai của con trẻ, hãy dành cho chúng nhiều hơn nữa tấm lòng của một người thầy, hãy biến mỗi ngày đến trường là một ngày vui, là một ký ức đẹp trong cuộc đời các con.