Để tổ ấm luôn luôn ấm áp
(DNTO) - Hôn nhân không hạnh phúc dẫn đến tan vỡ gia đình, thời nào, ở đâu cũng có, không phân biệt thành phần xã hội, giai cấp… Tất nhiên, các gia đình doanh nhân cũng không ngoại lệ. Cho nên để tổ ấm luôn luôn ấm áp không nằm ngoài chiến lược của họ.
Bên cạnh rất nhiều gia đình doanh nhân thành đạt, hạnh phúc, người ta cũng quan sát thấy không ít cuộc hôn nhân “cơm không lành canh không ngọt”, những cuộc chiến tranh lạnh, nóng, triền miên, thậm chí tan vỡ đường ai nấy bước.
Kim Tín, bạn tôi, xét theo tiêu chuẩn thông thường có thể gọi là một người thành đạt, còn ưu ái một chút cũng có thể cho rằng anh là một người có quyền thế. Tín là giám đốc của một công ty sản xuất bao bì có tầm cỡ. Công việc kinh doanh ngày càng thành công là niềm tự hào của anh, đồng thời cũng là động cơ mạnh mẽ cuốn anh vào công việc. Thời gian anh dành cho công việc nhiều đến nỗi không còn thì giờ cho vợ và cho hai con trai của mình.
Tận mắt tôi chứng kiến, một lần khi đứa con trai nhỏ đem bức tranh mà nó vừa mới vẽ trong giờ kiểm tra được cô giáo cho điểm cao đến khoe với anh. Lúc ấy anh đang mải say sưa khoe với tôi về một hợp đồng sản xuất bao bì cho một thương hiệu cà phê nổi tiếng. Anh gạt đi: “Ba đang nói chuyện với cô, con không thấy sao?”. Thằng bé tiu nghỉu bỏ đi. Tôi ái ngại gọi nó lại, bảo đưa cô xem, rồi xoa đầu khen nó mấy câu. Tín cũng chẳng để ý. Anh vẫn thao thao bất tuyệt.
Mỹ Duyên, vợ anh, cũng là bạn tôi. Cô ấy thường than vãn, ngày trước Tín vẫn thường bảo, vợ và hai con trai là hiện thân mầu nhiệm của cuộc đời anh. Từ khi anh thành đạt và có quyền thế, Duyên và các con dần dần cảm thấy anh xa cách. Bây giờ thì sau một ngày làm việc, về nhà, anh chỉ hỏi thăm vợ qua loa mấy câu chiếu lệ. Nhiều lúc Duyên cảm thấy hình như anh không thực sự có mặt trong cuộc đời của ba mẹ con chị.
Đã có thời gian, Duyên cũng rất hãnh diện vì chồng. Chị tin rằng nếu công việc kinh doanh thành công, kiếm được nhiều tiền, có nhà cao cửa rộng, xe sang thì hạnh phúc sẽ được bảo đảm. Nhưng càng ngày Duyên càng nhận ra, mục tiêu mà chồng chị hướng tới không phải là bản thân anh, cũng không phải là cuộc sống hạnh phúc của gia đình. Cái anh quan tâm là những khó khăn, trở ngại, lo sợ, phân vân về các hoạt động của công ty. Người mà anh luôn luôn nghĩ tới trong các kế hoạch của anh là đối tác, là khách hàng, là cán bộ nhân viên, công nhân của công ty. Khi một công nhân trong nhà máy bị tai nạn lao động anh đích thân đến bệnh viện thăm họ, nhưng khi đứa con đầu của anh phải vào viện đột ngột vì té ngã, anh giao phó cho vợ với lý do không thể bỏ lỡ một cuộc hẹn với khách hàng để chốt hợp đồng.
Nhìn thấy bạn bị công việc cuốn hút đến không có thì giờ để thở, để cười, để ngắm trời xanh, nắng vàng… tôi thật sự ái ngại giùm cho bạn. Có lần, trong một cuộc hàn huyên, tôi mạo muội đem những suy nghĩ của tôi về anh thố lộ ra. Tín tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Anh cho rằng, anh đâu có ăn chơi, lười nhác, anh đang làm việc cật lực vì vợ con và vì nhân viên dưới quyền, không phải họ đang trông cậy nơi anh đó sao? Anh hãnh diện vì anh đang làm tốt điều đó. “Gia sản sự nghiệp này cũng là để lại cho các con…”, anh chốt. Còn chuyện tận hưởng cuộc sống, chuyện dành thì giờ cho gia đình thì chờ khi về hưu, ối thời gian, gấp gì. Nhưng anh chưa kịp về hưu thì mới đây, bạn bè ai cũng tiếc khi nghe vợ chồng họ đã ly hôn.
Là doanh nhân thành công trong quản trị doanh nghiệp là điều cần nhưng chưa đủ. Phải quản trị cá nhân, quản trị gia đình một cách tốt nhất đồng thời với quản trị doanh nghiệp thành công mới gọi là thành đạt. Cũng giống như người xưa đã dạy: Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ vậy.
Quản trị bản thân tức là cách bạn chăm sóc bản thân mình. Không nên bỏ qua những lần khám sức khỏe định kỳ. Doanh nhân mà thần sắc không tốt, dáng vẻ tiều tụy, chắc chắn sẽ là một cái avatar rất khó coi. Phải biết “quản lý” bản thân trước tiệc tùng triền miên, các cuộc nhậu li bì bên chiến hữu, những trận “tỷ thí” đỏ đen núp bóng xả stress hay những cám dỗ bởi các “bóng hồng sa mạc”. Chọn cách chơi thể thao, đọc sách, đi du lịch, tập yoga để vượt qua áp lực công việc. Quản trị bản thân còn là cách vượt qua những giây phút cô đơn, cô đơn trong các quyết định quan trọng mà không ai chia sẻ được. Quản trị bản thân trước các áp lực vẫn phải cười nói, vẫn phải mạnh mẽ, vẫn phải lạc quan.
Sau quản trị bản thân là quản trị gia đình. Quản trị gia đình của một doanh nhân không gì khác hơn là sự cố gắng bù đắp. Những cuộc chiêu đãi, những chuyến công tác xa nhà triền miên sẽ không làm cho tổ ấm của bạn bớt ấm áp nếu như mỗi tối bạn đều đặn gọi về nhà qua video call, nói với con vài câu, nhìn ngắm con một chút, “hôn môi xa” với vợ vài cái. Khi về nhà muộn con đã ngủ say, bạn cũng có thể hôn con trong giấc ngủ, để bên cạnh con một món đồ chơi chẳng hạn. Cũng giống như ở công ty, gia đình cũng cần bạn lập ra kế hoạch, chiến lược để tổ chức, duy trì và phát triển.
Trong thực tế cuộc sống, đã có rất nhiều doanh nhân thành đạt, có quyền lực, địa vị mà vẫn có một gia đình vô cùng hạnh phúc. Đạt được điều đó, bên cạnh nhiều nguyên nhân, không thể phủ nhận vì họ đã biết cách dung hòa giữa bản thân, gia đình và doanh nghiệp.