Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước phát triển lớn mạnh
(DNTO) - Theo đại biểu Quốc hội, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tầm quan trọng, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực phát triển của đất nước. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tham gia, giúp doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, nội địa hóa tối đa, giảm phụ thuộc vào nước ngoài...
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo Tờ trình của Chính phủ, mục tiêu đầu tư là xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đăng đàn đầu tiên trong phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM), bày tỏ đường sắt tốc độ cao là một phương tiện giao thông hiện đại đã có từ 30 - 40 năm trước. Ông cho biết bản thân đã có cơ hội trải nghiệm đường sắt tốc độ cao đi từ Zurich về Paris với một khoảng cách rất xa nhưng đi rất nhanh với chi phí chỉ 30 euro, tương đối thấp so với đi bằng phương tiện máy bay. Ông bày tỏ khao khát đất nước mình có tuyến đường sắt tốc độ cao.
"Chúng ta đã bàn về vấn đề này cách đây 15 năm nhưng lúc đó Việt Nam chưa đủ điều kiện. Hiện, Việt Nam đã có điều kiện tốt hơn khi mà nợ công đang ở mức thấp, GDP đã bước qua được mức trung bình thấp. Đây là phương tiện thuận lợi sẽ giúp người dân đi lại dễ dàng cũng như thu hút khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời sẽ giúp khai thác tiềm năng ở các nơi vùng sâu vùng xa. Tôi cho rằng, đường sắt tốc độ cao sẽ mang lại rất nhiều lợi ích lan tỏa...", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Tuy nhiên, vấn đề vị đại biểu này lưu ý là yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật và độ an toàn. Theo ông, đây là đường sắt tốc độ cao nên yêu cầu yếu tố kỹ thuật và an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Về yếu tố địa lý, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu rất lớn, mỗi năm sẽ có nhiều cơn bão nên khi thi công, các đơn vị cần phải chú ý đến yếu tố này cũng như cần phải tính đủ số trạm dừng...
Về chi phí xây lắp, dự án này cần 67,34 tỷ USD, trong đó, 50% là chi phí về xây dựng, do đó, theo đại biểu Ngân, chúng ta cần phải huy động được nguồn lực trong nước và doanh nghiệp trong nước tham gia, hạn chế vay vốn ODA.
"Chúng ta phải đầu tư xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành đường sắt; đầu tư xây dựng nguồn nhân lực cho hệ thống đường sắt. Khi thực hiện dự án này, chúng ta phải tận dụng được nguồn thu từ đấu giá đất tại các trạm, từ TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) của đường sắt để thu về ngân sách. Tài sản công, đất công còn lãng phí, cần tổ chức đấu giá sớm để có nguồn thu. Ngoài ra, tại các địa phương có tuyến đường sắt đi qua sẽ phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương và cân đối được ngân sách. Và trong tương lai gần, địa phương đó sẽ nguồn thu điều tiết trở lại cho Trung ương...", đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu.
Đồng tình với chủ trương đầu tư dự án, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH Đắk Nông), đặc biệt quan tâm tới tiến độ thực hiện dự án. Theo ông Mai, thời gian qua việc kéo dài thời gian thi công đã dẫn tới đội vốn ở các dự án xây dựng đường sắt đô thị. Cùng với đó, nhiều công trình đối mặt với tình trạng nguồn cung vật liệu thiếu hụt, giải phóng mặt bằng chậm.
Đại biểu Dương Khắc Mai góp ý phải quan tâm thu hút đầu tư, sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong nước nhằm giúp doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, nội địa hóa tối đa, giảm phụ thuộc vào nước ngoài, huy động vốn nội địa, giảm vay vốn nước ngoài.
Theo vị đại biểu, để đầu tư dự án trong tương lai, chúng ta phải tính huy động sức dân. Vừa qua, thảo luận về thị trường vàng cho thấy nguồn lực trong dân còn lớn. Nếu phát hành trái phiếu với lãi suất đủ hấp dẫn, người dân sẵn sàng mua.
“Ngân sách chưa đảm bảo thì đi vay, nhưng vay trong dân tốt hơn vay nước ngoài, vì lợi nhuận người dân được hưởng, không chuyển dịch ra bên ngoài. Điều quan trọng hơn là khơi dậy niềm tự hào dân tộc để đóng góp vào công trình quan trọng Quốc gia”, đại biểu Mai nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Hà Nội), bày tỏ đây là một dự án đầu tư rất lớn, có tầm quan trọng đối với sự phát triển lâu dài và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực phát triển của đất nước, do vậy cần phải được đánh giá rất kỹ, với góc nhìn đa chiều để lựa chọn được phương án phù hợp nhất.
Theo đại biểu Cường, việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để chúng ta làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.
Ông Cường nêu bài học kinh nghiệm từ 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội do nhà thầu nước ngoài thi công trọn gói, khi điều kiện không đáp ứng là nhà thầu nước ngoài dừng dự án và yêu cầu xử phạt thời gian chờ đợi… Nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị thì không chỉ rủi ro về thời gian, mà vốn có thể đội lên và sẽ mãi lệ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Đề cập về vấn đề công nghệ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH Hải Dương), đề nghị Chính phủ cần quan tâm, xem xét 8 vấn đề của dự án để bảo đảm tính khả thi.
Trong đó theo ông Sơn, cần lựa chọn công nghệ hiện đại nhưng phải bảo đảm tính phổ quát nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Về hướng tuyến, báo cáo đã có sự thống nhất của 20 tỉnh thành và đã rút ngắn được 4 km so với quy hoạch được duyệt. Đại biểu Sơn đề nghị bổ sung các phương án so sánh để bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể nhưng đồng thời cũng tránh đi qua phần lớn diện tích rừng, lúa và bảo đảm tính kết nối giữa tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt trong khu vực, quốc tế và hệ thống giao thông khác.
Về các nhà ga, theo hồ sơ dự án ga hành khách tại một số địa phương được bố trí cơ bản không nằm trong các vị trí trung tâm đô thị trong khi các vị trí ga cần được bố trí thuận lợi thu hút được nhiều hành khách nhất. Ông Sơn đề nghị làm rõ lý do chọn vị trí các ga của dự án, nhất là tính kết nối giữa các phương tiện và đánh giá kỹ lưỡng.
Theo nghị trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào sáng 30/11, trước khi bế mạc Kỳ họp thứ 8.