'Sóng' tăng lãi suất huy động vẫn khó tạo cơ hội đầu tư trong trung và dài hạn
(DNTO) - Tín dụng dần hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Song, xu hướng lãi suất tăng từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều, chưa đủ tạo ra cuộc đua lãi suất trên thị trường để "giữ chân" dòng tiền đầu tư.
Sau tăng lãi suất, bảng xếp hạng lãi tại các ngân hàng cũng ghi nhận nhiều thay đổi, xuất hiện các mốc lãi mới. Lãi suất "vượt đỉnh" 6%/năm trước đó, xuất hiện nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất trên 6%/năm - mốc lãi suất hiếm hoi trên thị trường hồi đầu năm 2024.
"Sóng" lãi suất tăng và kéo dài khiến tiền gửi của người dân lập kỷ lục mới. Ngày 21/6, dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước công bố, đến cuối tháng 3/2024, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng là hơn 13,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 143 nghìn tỷ so với tháng 2. Cả tiền gửi cá nhân và tiền gửi của tổ chức kinh tế đều tăng trưởng dương trong tháng 3. Trong đó, tiền gửi của dân cư lập kỷ lục mới.
Cụ thể, tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng đã đạt hơn 6,67 triệu tỷ đồng, tăng gần 39 nghìn tỷ đồng trong tháng 3. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, tiền gửi của dân cư tăng hơn 143 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi của doanh nghiệp cũng tăng gần 104 nghìn tỷ đồng trong tháng 3 và đạt hơn 6,62 triệu tỷ đồng.
Ghi nhận xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4, tháng 5 và tiếp tục nối dài trong tháng 6, mức lãi suất trên 6%/năm ngày càng nhiều.
Tính riêng trong tháng 6, đã có hơn 25 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, trong đó có những ngân hàng tăng liên tục 2 - 3 lần, với mức tăng khá mạnh. Ngay trong sáng nay (21/6), tiếp tục có thêm 2 ngân hàng tư nhân lớn điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm là ACB và LPBank.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tại ACB đã tăng thêm 0,3%/năm lên dao động trong khoảng 2,8 – 3,0%/năm tùy vào mức tiền gửi. Mức điều chỉnh mạnh nhất diễn ra đối với lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng, tăng 0,4%/năm lên khoảng 3,9 – 4,1%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 9 tháng được ACB tăng thêm 0,2%/năm, hiện dao động trong vùng 4,0 – 4,2%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, ACB cũng tăng thêm 0,2%/năm so với trước đó, hiện nằm trong khoảng 4,7 – 4,9%/năm.
LPBank cũng công bố lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng đồng loạt tăng thêm 0,2%/năm. Qua đó, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3,4%/năm; kỳ hạn 2-4 tháng tăng lên 3,5%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 5 tháng là 3,6%/năm.
Đà tăng lãi suất khó tạo ra một cuộc chạy đua
Theo giới phân tích, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.
Ghi nhận trong tháng 5, lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng tư nhân đã tăng 0,2 - 0,5 điểm % với các kỳ hạn ngắn. Trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh không có biến động về lãi suất. Thực tế, việc tăng hay giảm lãi suất tiền gửi tùy thuộc vào chính sách huy động vốn của từng ngân hàng. Tuy nhiên, tiền gửi kỳ hạn dài trong hệ thống đang giảm đi, do đó việc tăng lãi suất ở kỳ hạn này sẽ giúp ngân hàng tránh tình trạng căng thẳng thanh khoản khi tín dụng phục hồi rõ nét hơn.
Tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai, năm 2024, mới đây, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận xét: "Trong bối cảnh thị trường vàng và tỷ giá nóng lên, lo sợ lượng tiền gửi ngân hàng của người dân có thể chuyển hướng và sụt giảm khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất để tăng hấp dẫn cho kênh đầu tư này".
Tuy nhiên, ông Lực cho rằng, thời gian tới, mức tăng không nhiều, tạo cảm giác cho người gửi tiết kiệm đỡ thiệt thòi, không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ. Lãi suất huy động sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong một số thời điểm nhu cầu tín dụng thời vụ tăng cao như quý 3 hoặc quý 4/2024.
Các chuyên viên phân tích dự báo mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ trong quý 2 và 3 từ 0,3 đến 0,5 điểm %. Đồng thời, áp lực tăng có thể sẽ gia tăng trong quý 4/2024 và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên từ 0,5 đến 1 điểm %.
"Tuy nhiên, đà tăng lãi suất huy động sẽ không lớn khi nhu cầu tín dụng trong năm nay không quá đột biến, dòng tiền vẫn có xu hướng tìm đến kênh vàng, bất động sản, chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm", Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhận định.
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường chứng khoán đã phục hồi khoảng 12% và vẫn có nhiều dấu hiệu tích cực. Trong khi đó, thị trường bất động sản hồi phục ở không ít phân khúc, nhất là bất động sản công nghiệp và chung cư.
"Dòng tiền nên thận trọng với các kênh đầu tư có dấu hiệu FOMO. Còn bất động sản, dù mới manh nha phục hồi, song lại là kênh đầu tư đáng quan tâm. Bởi lẽ, bất động sản là ngành “đi theo” kinh tế, mà kinh tế đang dần phục hồi đà tăng trưởng. Do đó, nếu đầu tư vào bất động sản thì nên mua lúc này, vì thị trường có triển vọng đi lên sau 1 - 1,5 năm tới", Chuyên gia tài chính TS Lê Xuân nghĩa lưu ý.