Bất chấp lãi suất huy động chạm đáy, mỗi ngày dân gửi hơn 2.000 tỷ đồng vào nhà băng
(DNTO) - Dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm "tuột dốc không phanh", nhưng theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7/2023, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt 6.389.593 tỷ đồng, tăng 8,93% so với cuối năm 2022. Đánh dấu mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
So với cuối tháng 8/2022, tổng số dư tiền tiết kiệm của khối dân cư gửi vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm hơn 750.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy tâm lý “ăn chắc mặc bền”, dù mặt bằng lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu, song tính bình quân, mỗi ngày người dân vẫn mang hơn 2.200 tỷ đồng gửi vào ngân hàng.
Từ đầu tháng 10, các ngân hàng đua nhau giảm lãi suất huy động đi đầu là nhóm Big 4, hiện đã về dưới 5,5%/năm, thấp hơn giai đoạn Covid-19. Hơn 20 nhà băng còn lại đưa lãi suất niêm yết cho kỳ hạn 12 tháng về dưới 6% một năm. Mức lãi suất 6-6,5% có xuất hiện tại một số đơn vị nhưng ở các kỳ hạn dài từ 18 tháng trở đi. Nhóm niêm yết lãi suất thấp nhất thị trường, không quá 5,5% một năm gồm khoảng chục đơn vị, bao gồm 4 nhà băng quốc doanh và một số ngân hàng tư nhân như VPBank, MSB, Techcombank, SeABank, GPBank, ABBank...
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, ngoài một bộ phận nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi và chủ động lựa chọn gửi tiết kiệm, thì việc lượng tiền gửi của khối dân cư tại các ngân hàng ở mức cao kỷ lục cho thấy các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, vàng… hiện không có sức hấp dẫn quá lớn đối với các nhà đầu tư.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến 30/9, huy động vốn tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12,9 triệu tỷ đồng.
Còn theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm ngày 20/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73%.
Trưởng phòng tư vấn đầu tư (Công ty chứng khoán Mirae Asset) Nguyễn Nhật Khánh đánh giá, tốc độ tăng trưởng của tiền gửi trong 9 tháng của năm 2023 vẫn ở mức bình thường nếu so sánh với những năm trước đó. Còn tốc độ tăng trưởng huy động vốn năm nay chỉ tăng nhanh hơn tín dụng do nhu cầu trong nước yếu, khả năng hấp thụ vốn vẫn chưa tăng…
Theo đó, với những người gửi tiết kiệm, dù lãi suất huy động giảm nhưng với mức gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên lãi suất hiện tại khoảng 5,5%-6,5%/năm, so với mức lạm phát 9 tháng khoảng 3,1% thì vẫn có mức lãi suất thực dương.
Đánh giá xu hướng thời gian tới
Mặc dù tiền gửi đạt mức kỷ lục so với cùng kỳ, tuy nhiên tính từ đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng chững lại, đặc biệt giảm rõ rệt trong 3 tháng gần đây. Cụ thể, trong tháng 7, tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng chỉ tăng hơn 6.700 tỷ đồng - mức tăng thấp nhất từ đầu năm. Tháng 6, người dân gửi thêm hơn 35.300 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng. Còn tháng 5, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng ròng khoảng 14.700 tỷ đồng. Trong khi đó, giai đoạn 4 tháng đầu năm, mức tăng bình quân lên đến trên 110.000 tỷ mỗi tháng.
Xu hướng giảm của tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới khi Vụ Dự báo, Thống kê (NHNN) vừa công bố kết quả ngày 7/10 cho biết 97% tổ chức tín dụng hạ dự báo về tăng trưởng tiền gửi và tín dụng, lãi suất tiếp tục giảm trong các tháng cuối năm. Đồng thời kỳ vọng bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay toàn hệ thống tiếp tục giảm 0,26 - 0,35%.
Bên cạnh đó, sự nhộn nhịp trở lại của thị trường chứng khoán Việt Nam sau một năm 2022 ảm đạm và tiêu cực đang lí giải cho tốc độ giảm dần của lượng tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 6/2023, số lượng TKGD của nhà đầu tư trong nước tăng mạnh 145.864 tài khoản, cao hơn gần 40% so với tháng liền trước và gấp 3 lần so với tháng 1/2023. Điều này cho thấy một lượng tiền lớn trên thị trường đang có xu hướng tìm về các kênh đầu tư có lợi suất cao hơn trong bối cảnh lãi suất liên tục giảm.
Đáng chú ý, liên hệ với năm 2022, các chuyên gia cho rằng, lãi suất tiền gửi cũng sẽ có điểm rơi tương tự, nếu khoảng thời gian gửi tiền có lãi suất cao là 2 tháng cuối năm thì với kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm, điểm rơi đáo hạn dòng tiền sẽ bắt đầu diễn ra từ nay cho đến cuối năm 2023. Đây là dòng tiền được đánh giá mạnh mẽ nhất và thực tế nhất nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán trong thời gian tới.