Lãi suất huy động 'đảo chiều', kỳ vọng CASA ngân hàng có thể trở lại cán mốc 40%
(DNTO) - Các chuyên gia nhận định, CASA cải thiện phản ánh từ việc chính sách tiền tệ nới lỏng đang phát huy tác dụng. Tài khoản thanh toán "rủng rỉnh" hơn so với trước đây và tính thanh khoản của nền kinh tế dần hồi phục. Tỷ lệ CASA có thể đã tạo đáy, liệu sẽ "lội ngược dòng" trở lại thời hoàng kim thời gian tới?
Tỷ lệ CASA dự báo đã tạo đáy
Dự báo nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, các ngân hàng đã đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc cho năm 2023, với mức tăng "khiêm tốn" dự kiến chỉ khoảng 13,5% so với cùng kỳ. Tuy đã đặt mục tiêu khá thận trọng, đa phần ngân hàng chưa hoàn thành được 50% mục tiêu lợi nhuận trong nửa đầu năm. Phần lớn kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 của các ngân hàng đang chậm hơn so với kế hoạch đã đặt ra.
Tuy nhiên, có một điểm sáng là CASA (tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn) của các ngân hàng được dự báo đã chạm đáy. Cụ thể, Công ty Chứng khoán Mirae Asset, dự kiến tỉ lệ CASA của các ngân hàng niêm yết đã tạo đáy tại mức 18,4% vào cuối quý I/2023, giảm 2 điểm phần trăm so với đầu năm. Song, đến cuối quý 2, tỉ lệ CASA bình quân của các ngân hàng niêm yết đạt 18,9%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với quý 1.
Theo các chuyên gia, lãi suất huy động bắt đầu hạ nhiệt kể từ cuối quý 1/2023 và tiếp tục "rơi thẳng đứng" đến nay. Khảo sát mới nhất trong tháng 9 này, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm, mới nhất hai ngân hàng nhóm "Big 4" là Agribank và Vietcombank đã đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống còn 5,5%/năm, thấp nhất thị trường... Đó là lý do khiến nhà đầu tư có nhu cầu "chuyển hướng" để tiền trong tài khoản thanh toán nhằm dễ dàng chủ động, thay vì gửi tiền có kỳ hạn. Do đó, nguồn CASA tại phần lớn ngân hàng đã có dấu hiệu phục hồi trong quý 2/2023.
Theo thống kê của Mekong ASEAN từ báo cáo tài chính của các ngân hàng, có 21/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA tăng trở lại vào thời điểm cuối quý 2/2023. Hiện tại, Ngân hàng MB vẫn giữ vị trí quán quân sau khi soán ngôi vương về tỷ lệ CASA của Techcombank vào cuối năm 2022. Quý 2/2023, tỷ lệ CASA của MB đạt mức 37,1%, tăng lên 1,6% so với quý liền kề. Đây là dấu hiệu tích cực đáng ghi nhận khi mà CASA của ngân hàng này đã có sự suy giảm trong hơn một năm qua.
Không kém cạnh, Ngân hàng Techcombank, cựu quán quân tỷ lệ CASA ngành ngân hàng cũng đuổi sát nút với tỷ lệ 34,9%. Cụ thể, theo báo cáo tài chính, tiền gửi khách hàng tại Techcombank cuối tháng 6/2023 đạt 381.900 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước và đi ngang so với quý trước. Trong đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi tăng lên mức 34,9%, từ mức 32% cuối quý 1, cho thấy sự phục hồi đáng kể...
Tại một talkshow mới đây, lãnh đạo cao cấp của Techcombank, Giám đốc Tài chính Alexandre Macaire cho biết CASA của Techcombank đã tăng gần 8% so với so với quý trước. Techcombank đang trả mức lãi suất khoảng 6%, trong khi đầu năm, lãi suất huy động của ngân hàng lên tới 9%. Khi lãi suất giảm xuống, CASA đã có những dấu hiệu phục hồi.
"Nếu thuận lợi, CASA tại Techcombank và một số ngân hàng có thể trở lại "thời hoàng kim" ở mốc 40%. Tuy nhiên, kết quả này phụ thuộc rất lớn vào các biến chuyển của thị trường. Nhiều khả năng CASA đã chạm đáy và khi chứng khoán, trái phiếu hay những cơ hội đầu tư khác phục hồi, tỷ lệ CASA sẽ đi lên nhanh hơn nữa", ông Alexandre Macaire, nhận định.
Vốn rẻ sẽ tăng mạnh cuối năm nay?
Thống kê từ báo cáo tài chính quý 2/2023 của 28 ngân hàng, tổng CASA đạt hơn 1,62 triệu tỷ đồng, tương đương các ngân hàng có thêm hơn 115.200 tỷ đồng vốn rẻ.Với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn gần như bằng 0 khi chỉ ở mức 0,1–0,2%/năm, khoản tiền gửi trong tài khoản thanh toán của khách hàng được coi là “món hời” cho các ngân hàng.
Qua đó, các nhà băng có thể cân đối và luân chuyển dòng tiền này để cho vay với chi phí rẻ hơn tiền gửi có kỳ hạn. Nhà băng nào giữ được lượng CASA ổn định và vượt trội thì chi phí vốn của ngân hàng đó càng thấp, giúp ngân hàng có lợi thế cạnh tranh với các "đối thủ". Vì vậy, thu hút tiền gửi không kỳ hạn đã, đang trở thành cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng thương mại. Tỷ lệ CASA cao được coi như một thành công của ngân hàng.
Điểm chung của các ngân hàng nằm trong top 10 có tỷ lệ CASA cao là nhờ việc chuyển đổi số mạnh mẽ, miễn phí giao dịch chuyển khoản điện tử và đẩy mạnh phân khúc khách hàng cá nhân. Điển hình là 3 “ông lớn” Vietcombank, VietinBank và BIDV không chỉ nhờ thương hiệu mạnh mà còn do các nhà băng này gần đây mạnh tay chi tiền cho công nghệ, chính thức miễn phí chuyển tiền từ năm 2022, từ đó có vị thế cạnh tranh tốt hơn.
Tuy nhiên, nhấn mạnh đến việc NHNN đang nới hạn mức cho vay cho các ngân hàng. Nếu được nới thêm 5%, số tiền này sẽ tương đương với khoảng 20.000 tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng, để huy động được số tiền trên một cách nhanh chóng, các nhà băng sẽ cần sử dụng tới tiền gửi có kỳ hạn chứ không phải CASA. Trong trường hợp này, tổng số tiền gửi không kỳ hạn có thể tăng lên, như tỷ lệ CASA có thể chịu áp lực lớn.
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đánh giá tỷ trọng CASA của toàn hệ thống hiện còn nhiều dư địa để mở rộng. Vì vậy, cuộc đua thu hút dòng vốn giá rẻ này vẫn sẽ sôi động trong thời gian tới. Ngân hàng nào càng chuyển đổi số mạnh mẽ, càng mang lại nhiều trải nghiệm hài lòng người dùng sẽ càng có lợi thế.
Tuy nhiên, để nâng tỷ lệ CASA không phải là một bài toán dễ khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán đang có dấu hiệu "ấm dần" lên. Song trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn và nhiều người dân vẫn có thói quen “ăn chắc mặc bền” và để một khoản tiền nhất định trong tài khoản thanh toán sử dụng trong trường hợp cần thiết.