Thống đốc NHNN: Nhiều 'thủ thuật' trong sở hữu chéo ngân hàng khiến không quy định nào có thể xử lý triệt để
(DNTO) - Sự tinh vi của các công cụ tài chính khiến sở hữu chéo ngân hàng ngày càng phức tạp hơn khi không chỉ cho vay trực tiếp mà còn sử dụng công cụ để tài trợ lẫn nhau. Theo đó rất khó có thể xử lý triệt để chỉ bằng một quy định, mà phải nằm ở nhiều luật, chính sách, lĩnh vực khác...
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/9, cho ý kiến về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ, tình trạng "sở hữu chéo tại ngân hàng, thao túng, sân trước, sân sau" được đưa ra "mổ xẻ". Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới băn khoăn, hiện nay còn tình trạng sở hữu chéo không và điều này có tác động đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế hiện nay hay không?
"Nội dung này tác động gì đến chính sách trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và đặc biệt có ảnh hưởng gì đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế không", ông Tới hỏi và đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết hướng giải quyết.
Báo cáo giải trình, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, vấn đề sở hữu chéo, thao túng, sân trước sân sau trong lĩnh vực ngân hàng đến nay đã được khắc phục. Tức là trên hồ sơ cá nhân, tổ chức nào giữ tỉ lệ cổ phần như thế nào đối với hệ thống ngân hàng qua hoạt động cho vay đã thể hiện”, bà Hồng nói.
Tuy nhiên, thực tế việc sở hữu chéo rất khó phát hiện, các tổ chức, cá nhân có thể đứng tên hoặc nhờ đứng tên sở hữu cổ phần, thậm chí thành lập doanh nghiệp trong hệ sinh thái để cho vay vốn ngân hàng. Vấn đề này qua điều tra và một số vụ việc vừa qua phát hiện. “Cho nên đây là vấn đề NHNN rất quan tâm”, bà Hồng nhấn mạnh.
Thống đốc cho hay, khi Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi lần 2 năm 2010 siết lại việc sở hữu chéo, các ông chủ nhà băng đã "né" theo hướng khác.Thay vì dùng vốn của ngân hàng này đi góp vốn ngân hàng khác, họ sẽ dùng vốn của ngân hàng này cho một ông chủ vay vốn, để tài trợ góp vốn vào một ngân hàng khác, gọi là cho vay chéo để tăng vốn.
Trong điều khoản của Luật Các Tổ chức tín dụng có quy định giới hạn cho vay các công ty liên kết với ông chủ ngân hàng. Tuy nhiên, để NHNN giám sát và thực thi điều khoản giới hạn cho vay trong một nhóm các công ty liên kết gần như rất khó. Việc này càng khó khi các công ty này được lập nên không có phả hệ mà luật pháp quy định, ví dụ con rể, con dâu, em vợ, em chồng… Chẳng hạn, qua mùa mỗi mùa họp đại hội cổ đông, việc công bố danh sách cổ đông có quyền dự họp dễ dàng thấy có vài trăm doanh nghiệp đang là cổ đông trong ngân hàng.
Lần thứ 3 sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng tiếp tục "siết" mạnh tay hơn, đó là hạn chế cho vay số tiền lớn. Thời điểm này, các ông chủ nhà băng lại nghĩ ra cách khác, đó là cầm cố cổ phiếu của chính các ngân hàng để lấy vốn nhằm tăng vốn. Nhưng sau đó, điều khoản này bị hủy bỏ.
Cũng từ đây, sở hữu chéo tạo ra một hệ sinh thái các doanh nghiệp "sân sau" của ông chủ để sở hữu ngân hàng. Phần sở hữu ở trong các công ty đó được họ thế chấp ngân hàng vay vốn, rồi dùng vốn vay này gia tăng vốn sở hữu trong ngân hàng. Sự phát triển các công cụ tài chính đã tạo điều kiện cho sở hữu chéo ngày càng tinh vi hơn, không chỉ cho vay trực tiếp mà còn sử dụng các công cụ để tài trợ lẫn nhau nhằm mục đích chi phối ngân hàng đó của giới chủ.
Sau nhiều lần sửa đổi, Thống đốc thông tin, Dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) có đề cập đến việc giảm tỷ lệ sở hữu đã được trình lên Quốc hội xem xét vào kỳ họp 2023 vừa qua. Dự thảo đã thiết kế một số giải pháp giảm hiện tượng sở hữu chéo như mở rộng phạm vi khái niệm có liên quan, giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng, giảm giới hạn cấp tín dụng… Thế nhưng, quá trình lấy ý kiến còn chưa hoàn tất.
“Nhưng nếu chờ quy định xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo thì không có, quy định như dự thảo luật chỉ là một phần, cần phải kết hợp với các quy định khác để làm sao hoạt động của các tổ chức, cá nhân minh bạch thì mới hướng tới giảm tình trạng này", bà Hồng nhận định.
Nêu thêm quan điểm về ý kiến cho rằng quy định trong Luật nội dung này sẽ tác động đến thị trường chứng khoán, tăng chi phí, bà Hồng nhấn mạnh nếu đặt vấn đề ưu tiên cho phát triển chứng khoán thì không được quy định, nhưng ngược lại, mục tiêu của việc xây dựng quy định này là đảm bảo an toàn hệ thống và kiểm soát được những rủi ro.
"Thị trường chứng khoán lúc nào cũng phát triển rất nhiều do các yếu tố khác nhau và các thành viên tham gia thị trường chứng khoán hầu hết là doanh nghiệp, cá nhân. Cho nên phân tích tác động cũng cần bức tranh lớn hơn về vai trò điều tiết thị trường kinh tế, ngay cả việc các tổ chức tín dụng phải tăng chi phí để điều tiết", theo bà Hồng.