'Cuộc đua' CASA ngân hàng dần hạ nhiệt: Xu hướng chỉ diễn ra trong ngắn hạn?
(DNTO) - Trong bối cảnh lãi suất chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản cũng như trái phiếu, đã khiến tỷ lệ CASA các ngân hàng sụt giảm. Những lo ngại này được kỳ vọng phục hồi khi lãi suất giảm nhiệt.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngân hàng. Song, hiện nay, tại hầu hết ngân hàng lại đang có dấu hiệu giảm tốc đáng báo động. Số liệu mới công bố từ Chứng khoán SSI cho thấy, nhiều thành viên đang bị “hụt hơi” trong cuộc đua khi không thể gia tăng, thậm chí còn thụt lùi trong việc huy động nguồn vốn giá rẻ này.
Cụ thể, khảo sát tại 28 ngân hàng đã công bố BCTC quý 4/2022 cho thấy, có tới 23 ngân hàng, tương đương tỷ lệ hơn 82% ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong 12 tháng qua. Tỷ lệ CASA bình quân của nhóm theo đó đã giảm khá mạnh, xuống còn 15,1%, từ mức 18% hồi đầu năm nay.
Tại KienLongBank, tính tới cuối tháng 12/2022, lượng tiền gửi khách hàng vẫn nhích nhẹ 1,2% so với đầu năm trong khi lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm mạnh tới 74%, xuống còn hơn 2 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ CASA của ngân hàng theo đó giảm mạnh từ 15,5% hồi đầu năm xuống còn 4% kết thúc quý 4/2022, nằm trong nhóm những nhà băng có CASA giảm mạnh nhất và ở mức thấp trong nhóm khảo sát.
Tương tự, tại VietABank, dù tiền gửi khách hàng vẫn tăng 3,7% trong năm qua nhưng lượng tiền gửi không kỳ hạn lại giảm tới 64% khiến tỷ lệ CASA của ngân hàng giảm khá mạnh xuống còn 4,1%, từ mức 11,9% hồi đầu năm.
Một số thành viên khác cũng ghi nhận tỷ lệ tiền gửi này giảm mạnh bao gồm Techcombank giảm 13,5 điểm %, TPBank giảm 5,2 điểm %, OCB giảm 4,8 điểm %, VPBank giảm 4,6 điểm %, MSB giảm 4,7 điểm %,…
Đáng chú ý, tỷ lệ CASA đi xuống không chỉ diễn ra ở các thành viên có quy mô vừa và nhỏ. Những nhà băng vốn luôn đứng đầu hệ thống trong việc thu hút nguồn vốn rẻ cũng ghi nhận lượng tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm khá mạnh trong năm qua. Đơn cử, Techcombank và MB đều bị sụt giảm tỷ lệ Casa trong năm vừa qua. Sự sụt giảm mạnh tại Techcombank đã khiến nhà băng này để mất ngôi “vương” sau 2 năm liền.
Góp mặt trong danh sách này phải kể đến MSB đã gây không ít bất ngờ với cú sụt giảm mạnh trong quý IV/2022 khiến Casa tụt xuống còn 31,2%, đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng.
Thực tế, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ CASA lao dốc không phanh là lãi suất huy động liên tục tăng mạnh trong năm 2022. Sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng cũng đã thông báo điều chỉnh lãi suất huy động thêm khoảng 1 điểm % tại nhiều kỳ hạn kể cả các ngân hàng quốc doanh.
Mặt bằng lãi suất tăng cao thúc đẩy việc người dân hạn chế để tiền nhàn rỗi hơn, đồng thời với các doanh nghiệp khi gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng họ phải sử dụng tiền gửi sẵn có.
Lý giải về tình trạng CASA đi xuống, lãnh đạo Techcombank cho biết, trong bối cảnh môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, thanh khoản hệ thống mỏng dần đi, cùng với đó là tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản và trái phiếu đã góp phần khiến số dư CASA sụt giảm. Do khách hàng có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt để đầu tư hay chi tiêu và tăng mở tài khoản tiết kiệm.
"Thanh khoản thị trường không còn dồi dào, khách hàng tối ưu sử dụng những nguồn tiền rảnh rỗi cho hoạt động đầu tư khiến CASA của toàn ngành ngân hàng đều giảm và Techcombank cũng không ngoại lệ," ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực Techcombank chia sẻ.
Sẽ hồi phục trong ngắn hạn
Nhiều lo ngại khi mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ "nóng" vào giữa năm nay nên sẽ gây khó khăn trong việc huy động vốn của ngân hàng năm 2023, việc kiểm soát chi phí vốn, cải thiện tỷ lệ Casa sẽ là "bài toán" khó với ngân hàng, bởi nền lãi suất vẫn ở mức cao khiến người dân có xu hướng ưu tiên gửi tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi.
Thế nhưng, đưa ra phân tích của mình, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, trong điều kiện thuận lợi, lãi suất điều hành có thể không tăng thêm trong năm 2023 và mặt bằng lãi suất kỳ vọng sau khi đạt đỉnh trong nửa đầu 2023 sẽ đi ngang và dần hạ nhiệt nửa cuối năm 2023.
Điều này là có cơ sở khi cập nhật mới nhất biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tháng 2/2023 của các ngân hàng thương mại cho thấy cuộc đua lãi suất đã không còn khốc liệt như trước Tết. Hiện chỉ còn 2 ngân hàng huy động lãi suất trên 9,5%/năm.
Cụ thể, NCB, SCB đang là 2 ngân hàng niêm yết lãi suất huy động cao nhất hệ thống với lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12 tháng là 9,95 và 9,7%/năm; trong khi lãi suất tiền gửi tại quầy cho cùng kỳ hạn tại 2 ngân hàng này lần lượt là 9,15 và 9,2%/năm.
"Tỷ lệ CASA của ngành ngân hàng có thể sẽ được cải thiện hơn trong nửa cuối năm khi lãi suất hạ nhiệt", VCBS nhận định.
Theo đánh giá của SSI, dựa theo các phân tích dữ liệu, tỷ lệ CASA bị ảnh hưởng chỉ là trong ngắn hạn và sẽ sớm hồi phục trong thời gian tới. Với sự am hiểu về quy luật vào - ra của dòng tiền, ngân hàng đã đưa ra những hành động ngay lập tức và dự kiến sẽ đạt được chỉ số 50% về tỷ lệ CASA vào cuối năm nay.