Dư thanh khoản, ngân hàng hạ sâu lãi suất tiết kiệm để 'hãm' huy động vốn
(DNTO) - Sau quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 của Ngân hàng Nhà nước, đồng loạt các ngân hàng thương mại rục rịch giảm lãi suất huy động. Theo chuyên gia, động thái lãi suất hạ nhiệt trên diện rộng như hiện nay sẽ giúp kích thích dòng tiền nhàn rỗi “chảy” vào một số lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
Sau quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 19/6 vừa qua, hơn 30 ngân hàng trong nước đã đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm ở hàng loạt kỳ hạn. Thậm chí nhiều ngân hàng đã có lần thứ 2 liên tiếp điều chỉnh giảm lãi tiết kiệm chỉ trong quãng thời gian 1 tuần.
Cụ thể, tính đến ngày 27/6, ở nhóm ngân hàng tư nhân, OceanBank đồng loạt giảm 0,3% - 0,4% lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện lãi suất cao nhất mà ngân hàng này niêm yết là 7,8%/năm dành cho các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên. Đây là đợt điều chỉnh lãi suất thứ 3 liên tiếp của Oceanbank trong chưa đầy nửa tháng qua. Trước đó, ngân hàng này cũng đã thay đổi biểu lãi suất huy động vào ngày 17/6 và 19/6.
Hay như HDBank cũng đã giảm 0,5% lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 4,75%/năm xuống còn 4,25%/năm. Ngoài ra, lãi suất các kỳ hạn kéo dài 6 tháng, 12 tháng và 13 tháng cũng giảm 0,2%, từ 7,5%/năm xuống 7,3%/năm. Trong vòng 1 tháng qua, lãi suất huy động của nhà băng này đã giảm 4 lần liên tiếp vào các ngày 31/5, 12/6, 19/6 và 26/6.
Một số cái tên khác như OCB, VIB, Sacombank, lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng - 5 tháng đã giảm từ 5%/năm xuống 4,75%/năm...
Đặc biệt, ở nhóm “Big 4”, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn đều ở ngưỡng thấp nhất thị trường. Đơn cử, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 3,4%; kỳ hạn 3 tháng là 4,1%; kỳ hạn 6 tháng là 5%; kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng và 36 tháng đều là 6,3%/năm.
Mới đây, tại buổi họp báo Thông tin kết quả ngân hàng 6 tháng đầu năm, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cho hay lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại hiện ở mức khoảng 5,8%/năm, giảm 0,7% so với cuối năm 2022; lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm, giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022.
"Đáng lưu ý, hiện nay, thanh khoản các tổ chức tín dụng đều đang rất dồi dào, kể cả các ngân hàng nhỏ. Đây cũng là một trong những lý do khiến lãi suất giảm sâu", ông Tú nói.
Theo lý giải của PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, trong đợt điều chỉnh lần này, nhà điều hành chỉ giảm trần lãi suất huy động 0,25% từ 5%/năm xuống 4,75%/năm thay vì mức giảm 0,5% như các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu... mức giảm này là hợp lý, bởi mức lãi suất huy động có vai trò rất quan trọng vì phải đảm bảo chênh lệch lãi suất đủ lớn giữa tài sản bằng nội tệ với tài sản bằng ngoại tệ để tránh áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối.
"Việc đưa ra trần lãi suất huy động như vậy đã đủ mức lãi suất hấp dẫn đối với tài sản bằng VND. Từ đó giảm tình trạng đô la hóa, giảm áp lực về cầu ngoại tệ cho thị trường ngoại hối", Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng nhấn mạnh.
Đánh giá về động thái lãi suất tiết kiệm hạ nhiệt trên diện rộng trong thời gian này, các chuyên gia cho rằng, nhìn ở khía cạnh tích cực, đây chính là lực đẩy thúc dòng tiền “chảy” vào những lĩnh vực khác của nền kinh tế thay vì “nằm im” trong nhà băng.
Trong báo cáo mới công bố, Công ty chứng khoán SSI nhận định, lãi suất tiết kiệm giảm giúp kích thích dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán. “Điều này thể hiện rõ khi Chính phủ thực hiện cắt giảm lãi suất kể từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, thanh khoản trung bình mỗi ngày của thị trường chứng khoán trong tháng 4 và tháng 5 đã tăng mạnh 30 - 40% so với tháng 2 và tháng 3”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, nhìn chung lãi suất tiết kiệm vẫn còn "neo" ở mức khá cao. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho thị trường bất động sản vẫn còn cần có thời gian để phát huy tác dụng và khôi phục hoàn toàn niềm tin từ phía nhà đầu tư. Khi đó, nguồn vốn trong dân mới có thể “chảy” mạnh vào thị trường.
Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay phần nhiều mang tính chất định hướng và mở rộng thanh khoản ngắn hạn cho hệ thống ngân hàng chứ không tác động nhiều đến các doanh nghiệp và người dân. Nếu muốn “thẩm thấu” nhanh đến nền kinh tế thì phải chờ sự "đồng pha" thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong trung, dài hạn và sức tiêu dùng của nền kinh tế.