Nhiều dư địa chờ lãi suất điều hành hạ lần thứ 4 trong năm
(DNTO) - Fed đã ngưng giảm lãi suất. Cùng đó, Chính phủ đặt vấn đề để giảm mặt bằng lãi suất; trong đó có giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6 để khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.
Nhiều yếu tố tích cực
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thông tin về việc ngưng tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp vào hôm qua, ngày 15/6. Trước đó, chỉ số CPI tháng 5 của nước này được ông bố với mức tăng 4% so với cùng kỳ và 0,1% so với tháng trước, thấp hơn so với mức dự báo của giới phân tích. Điều này đã tạo cơ hội cho chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed được nới lỏng, dù cho giới chức Fed cho rằng đây chỉ là "tạm thời".
Fed ngưng tăng lãi suất, việc đồng USD neo ở mức giá cao tạm thời đi qua, hỗ trợ tỷ giá trong nước được tiếp tục ổn định, có thể chỉ biến động trong biên độ +/- 3% theo nhiều chuyên gia, dưới mức quy định của NHNN là +/- 5%. Đây là cơ hội để nhà điều hành xem xét mua ngoại tệ tăng cung tiền cho nền kinh tế, đồng thời có các chính sách lãi suất thích hợp.
Trong nước, cũng ngày 15/6, trong văn bản số 225/TB-VPCP, Thường trực Chính phủ yêu cầu NHNN khẩn trương có ngay các giải pháp thiết thực để giảm mặt bằng lãi suất, trong đó giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6 và định hướng giảm lãi suất huy động và cho vay, khắc phục tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua.
Chính sách tiền tệ theo đó cần chắc chắn, linh hoạt, chủ động, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cân bằng hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá.
Như vậy, tính đến hiện tại, có thể thấy chính sách tiền tệ thắt chặt đang dần đi qua đỉnh. Giai đoạn tiền đắt có thể sẽ kéo dài không lâu nữa. Lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Hiện tại, lãi suất cho vay trung bình (không tính các khoản ưu đãi) hiện tại vào khoảng 12,5%/năm, đã giảm khoảng 220 điểm cơ bản so với cuối năm 2022 tuy vẫn còn cao hơn khoảng 200 điểm cơ bản so với năm 2019. Khi chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn đang duy trì trên thế giới, nhiều nước đang ở đỉnh lãi suất, Việt Nam đã chủ động hạ lãi suất, tạo cơ hội xây dựng vùng trũng nhằm hút dòng tiền.
Với những tiền đề quan trọng trên, việc hạ lãi suất điều hành trong thời gian tới là câu chuyện gần.
"Thời điểm đẹp"
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Sáng lập FinPeace trong chương trình Khớp lệnh ngày 15/6, cho biết phía nhà điều hành đã động thái điều hành tốt chính sách tiền tệ suốt thời gian qua và cũng là giai đoạn đầu tiên chủ động lựa chọn chính sách hạ lãi suất đi ngược lại với thế giới, một phần thể hiện sức mạnh kinh tế Việt Nam so với các nền kinh tế xung quanh.
"NHNN có nhiều lựa chọn cho các chính sách tiếp theo. Tuy nhiên, trước mắt cần tập trung kích thích tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là giai đoạn đẹp nhất để hạ lãi suất. Nếu để chậm vào đoạn sau của năm, hiệu ứng bị lại phải sang năm tiếp theo mới thể hiện được thì bị lãng phí đà tăng trưởng hiện nay", ông Tuấn Anh cho biết.
Hiện tại lãi suất điều hành đã được NHNN điều chỉnh về mức thấp, tương đồng với giai đoạn hỗ trợ dịch bệnh. Theo VCBS, dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành từ NHNN sẽ không còn nhiều nếu xét trên tổng thể các cân đối vĩ mô, khả năng chỉ duy trì quanh ngưỡng quanh 4-4,5%.
Theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó Giám đốc Chiến lược đầu tư của SSI Research, chia sẻ, nếu có đợt giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 này thì khả năng sáng sẽ là hạ trần mức lãi suất huy động, như vậy mới có thể tạo dư địa hạ lãi suất cho vay và điều này không chỉ tốt cho lợi nhuận doanh nghiệp mà cho nền kinh tế nói chung.