Dư địa chính sách hỗ trợ cho ngành ngân hàng và bất động sản không còn nhiều
(DNTO) - Đó là nhận định của BVSC. Thời gian tới, các chính sách nên tập trung hướng vào nhóm ngành cụ thể có nhu cầu hỗ trợ thực, từ đó mới có thể có tác động chính xác, kịp thời hơn.
Nền kinh tế đứng trước nhiều thách thức
Báo cáo vĩ mô tháng 5 từ Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã chỉ ra nhiều thách thức của nền kinh tế.
Đầu tư công, lĩnh vực được kỳ vọng trở thành bệ đỡ của nền kinh tế đang cho kết quả không được như kỳ vọng. Theo Tổng cục Thống kê, giải ngân vốn đầu tư công trong tháng đạt hơn 45 ngàn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 12% so với tháng liền trước.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, giá trị giải ngân mới đạt hơn 177 ngàn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, tuy nhiên mới hoàn thành được 25% kế hoạch cả năm, thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước (trung bình giai đoạn 2014-2022 đạt 30,26%).
Điều này cho thấy, tỷ lệ giải ngân thời gian qua vẫn đang khá chậm và so với kế hoạch hơn 700 ngàn tỷ đồng cho cả năm, tỷ lệ này vẫn còn hạn chế. Theo BVSC, việc hoàn thành kế hoạch sẽ cần nhiều nỗ lực nhất là khi lượng giải ngân lớn nhất trong một tháng từ trước tới nay mới chỉ ở khoảng 65 ngàn tỷ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 29 tỷ đô la Mỹ, tiếp tục giảm 6% so với năm ngoái, trong khi đó, nhập khẩu ước đạt hơn 26 tỷ đô la, tỷ lệ giảm nhiều hơn với 18,2%. Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện tử máy tính, dệt may, giày dép, gỗ, thủy sản lại đang duy trì xu hướng giảm; số lượng các đơn hàng đặt mới cũng sụt giảm...
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 5 tăng 2,2% so với tháng 4 và 0,01% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số này vẫn đang giảm 2% so với cùng kỳ, cho thấy ngành sản xuất vẫn còn nhiều thách thức.
Thời gian qua, để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một loạt chính sách dành cho ngành ngân hàng và bất động sản như: lãi suất điều hành đã giảm lần thứ ba trong năm, tập trung vào các chỉ tiêu có ảnh hưởng sát đối với lãi suất thực tế trên thị trường; Thông tư 02 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; Thông tư 03 cho phép tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp... Dù vậy, có thể thấy, sự hấp thụ nền kinh tế với các chính sách trên chưa thực sự rõ nét.
Dư địa các chính sách hỗ trợ không còn nhiều
Theo đó, các chuyên gia BVSC nhận định, dư địa cho các chính sách hỗ trợ đối với 2 lĩnh vực quan trọng là bất động sản và ngân hàng không còn nhiều.
Trong thời gian còn lại của năm 2023, các chính sách ban hành cần được định hướng vào từng nhóm ngành cụ thể cần được hỗ trợ để có tác động chính xác, kịp thời hơn. Trong đó, phải nhắc đến "các doanh nghiệp xuất khẩu và daonh nghiệp sử dụng nhiều nhân công, trong bối cảnh sản xuất và xuất khẩu còn đang gặp nhiều khó khăn", BVSC nhấn mạnh.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là các chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Chỉ số lạm phát hạ nhiệt và trong tầm kiểm soát sẽ giúp NHNN có dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ và có thêm các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến áp lực tỷ giá quay lại trong một số thời điểm và điều này lại làm thu hẹp dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN.
Theo thống kê của BVSC, tính đến cuối tháng 5, lãi suất huy động 12 tháng trung bình đạt 7,6%. Con số này giảm 18 điểm cơ bản (bps) so với trung bình hồi tháng 4, giảm tới 82 bps so với cuối năm ngoái, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2022, con số này vẫn tăng tới 171 bps.
Cũng theo con số NHNN vừa công bố, tín dụng nền kinh tế 5 tháng đầu năm về mặt số liệu đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng khoảng 3,17% so với cuối năm ngoái, trong khi đó, cũng thời điểm này năm 2022, tín dụng đã tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021, một minh chứng rõ nét cho thấy nguồn vốn đổ vào nền nền kinh tế yếu hơn đáng kể so với cùng kỳ.