Kỳ vọng một đợt giảm lãi suất điều hành mới trong ba tháng tới?
(DNTO) - Theo các chuyên gia của Chứng khoán Kim Eng Việt Nam, tăng trưởng kinh tế dự đoán có thể thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 6,5% của Chính phủ. Theo đó, các chuyên gia kỳ vọng tiếp diễn một đợt hạ lãi suất điều hành tiếp theo, trong ba tháng tới với mục tiêu nỗ lực hỗ trợ cho tăng trưởng.
"Chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ"
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quyết định về việc tiếp tục hạ lãi suất điều hành lần thứ 3, mức giảm thêm khoảng 0,5%/năm ở các chỉ tiêu, áp dụng từ 25/5. Như vậy, chỉ trong vòng hơn hai tháng, cơ quan điều hành đã có tới ba lần điều chỉnh giảm với lãi suất điều hành. Điều này cho thấy, việc cần thiết hỗ trợ nền kinh tế vượt qua thách thức trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Chính phủ.
Tuy nhiên, dù đã có tới ba lần điều chỉnh nhưng theo nhiều chuyên gia, các mức điều chỉnh trên chưa nhiều ý nghĩa với nền kinh tế.
Theo ông Trịnh Viết Hoàng Minh, chuyên viên phân tích từ ACBS, việc giảm lãi suất điều hành mới "chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy kinh tế Việt Nam".
Thực tế, sản xuất và tiêu dùng vốn là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế thì hiện tại cả hai đang đối mặt với sự suy giảm. Người dân không có nhu cầu vay tiêu dùng. Doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay tiền để mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư cho sản xuất
"Do đó, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng", ông Minh nhấn mạnh.
Vấn đề với Việt Nam thời điểm này có thể là "phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng" từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... sẽ hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu, phục hồi ngành sản xuất. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng cần phải tăng trở lại. Đây mới là những điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay.
Thực tế, với mức điều chỉnh lãi suất hiện nay, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, dù đã giảm, nhưng vẫn chưa như kỳ vọng của thị trường. Tác động của các đợt hạ lãi suất điều hành lên nền kinh tế còn chưa thực sự rõ nét.
"Tín dụng vẫn đang bị kẹt khi chính doanh nghiệp sản xuất ngày càng thu hẹp sản xuất, nhu cầu trong nước và quốc tế yếu, các ngành có nhu cầu cao như bất động sản lại không vay được. Tình trạng này được hiểu: Thiếu vẫn thiếu mà thừa vẫn thừa", một chuyên gia cho biết.
Sẽ tiếp tục một đợt giảm mới?
Các chuyên gia Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam kỳ vọng, trong ba tháng tới sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất điều hành, với mức điều chỉnh giảm thêm 50 - 100 bps cho lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và trần lãi suất tiền gửi từ 1 đến 6 tháng.
Theo phân tích của các chuyên gia, tăng trưởng của nền kinh tế có thể sẽ thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đặt ra trong năm nay.
"Ngay cả với dự báo +5,5% của chúng tôi cũng sẽ có rủi ro nghiêng về chiều hướng giảm. Với sự cấp thiết phải hỗ trợ tăng trưởng, chúng tôi hy vọng việc hạ lãi suất sẽ được thực hiện tiếp trong ba tháng tới", Kim Eng Việt Nam cho biết.
Vấn đề là rủi ro với dự báo trên có thể xảy ra khi áp lực tỷ giá có thể tăng trở lại, khả năng hạ lãi suất của NHNN sẽ bị hạn chế. Hiện tại, chênh lệch lãi suất với Mỹ đang thu hẹp do NHNN đã giảm lãi suất điều hành 100 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay trong khi Fed tăng 75 điểm cơ bản. Dù vậy, các thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng tăng từ tháng 6 và trong tháng 11 thì chỉ nới lỏng.
Các chuyên gia cũng nhận định, việc giảm lãi suất mà NHNN đưa ra thời gian qua khá kịp thời khi tăng trưởng chậm lại ở thời điểm lạm phát và áp lực tỷ giá được kiềm chế, thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định. Dự báo lạm phát trong năm sẽ ở mức 3,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% của NHNN.