Sẽ tiếp tục có một đợt hạ lãi suất điều hành?
(DNTO) - Sau hai đợt giảm lãi suất điều hành, nhiều chuyên gia dự đoán, khả năng thị trường sẽ đón nhận thêm một đợt giảm mới.
Thách thức từ lãi vay
Sau hai đợt hạ lãi suất điều hành từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng trong nước cũng đã liên tục đua nhau giảm lãi suất huy động. Tuỳ theo thời hạn tiền gửi và theo mỗi ngân hàng, mức giảm có khác nhau. Tuy nhiên, có thể nói mức giảm còn tương đối chậm, chưa đáng kể, một yếu tố khiến lãi suất cho vay chưa thể hạ nhiệt nhiều.
Thực tế cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao hơn so với thời điểm trước Covid. Thống kê cho thấy, lãi vay cho kỳ hạn 6 tháng của nhiều tổ chức tín dụng vẫn dao động ở mức 10-10,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng vẫn ở mức 11-12%/năm cho doanh nghiệp sản xuất thông thường; vay tiêu dùng hay mua nhà, nhiều tổ chức tín dụng dao động ở mức 13,5-14%/năm.
Trung bình, lãi suất cho vay tiền đồng phát sinh mới của các ngân hàng hiện ở mức khoảng 9,3%/năm, tỷ lệ này đã giảm nhẹ khoảng 0,65%/năm so với cuối năm 2022, vẫn chưa thấm với kỳ vọng của nền kinh tế.
Chính điều này khiến tăng trưởng tín dụng bốn tháng đầu năm vẫn tương đối thấp. Tính đến ngày 27/4 vừa qua, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12 triệu tỷ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú, dù NHNN đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp này, song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp, một trong những nguyên nhân là "cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm".
Điều này cho thấy, tiền có thể vẫn phải nằm ngủ trong két. "Nếu vẫn để nền kinh tế khan tiền, doanh nghiệp “đói” tiền mặt, tiền nằm ở NHNN không quay vòng được, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của doanh nghiệp, cũng như kéo theo thất nghiệp, mất việc, thiếu việc làm gia tăng", ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng NHNN trả lời báo chí.
Và cũng theo ông Hoè, CPI trong 4 tháng đầu năm nay chỉ tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,9% là mức vô cùng thấp, điều kiện lý tưởng để nhà điều hành mạnh dạn bơm tiền ra nền kinh tế.
Giảm lãi suất, mở cung tiền?
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt, NHNN và Chính phủ đang có các chính sách tiền tệ và tài khoá để hỗ trợ cho thị trường chứng khoán và nền kinh tế, và cũng là định hướng tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, vị chuyên gia đưa ý kiến: "Nếu tôi là nhà điều hành thì việc tôi hoàn toàn phải tính đến câu chuyện tiếp tục hạ lãi suất, hỗ trợ thậm chí mạnh tay hơn để kéo nền kinh tế đặt được mục tiêu tăng trưởng cuối năm. Vì nếu như tình hình hiện nay, các mục tiêu tăng trưởng cuối năm khó đạt được".
Giai đoạn hiện nay, nếu tiếp tục hạ lãi suất điều hành, sẽ là bước ngoặt mấu chốt tác động dài hạn đến nền kinh tế và vào chi phí giá vốn nền kinh tế. Tuy nhiên, nhà điều hành cần ban hành sớm, vì các chính sách cần độ ngấm, nhanh thì 3 tháng không thì cần tới 6 tháng. "Nếu ban hành cuối năm sẽ không kịp ngấm để đạt mục tiêu kinh tế", ông cho biết.
Trong khi đó, VNDirect cho biết, bối cảnh thị trường kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ dừng tăng lãi suất điều hành khiến áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt; động thái đảo chiều chính sách tiền tệ của NHNN đã rõ, "chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ giảm lãi suất điều hành thêm ít nhất là 50 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm 2023".
Một chuyên gia đưa ý kiến, hiện tiền đang tụ nhiều trong bất động sản và trái phiếu, tuy nhiên thanh khoản ở những lĩnh vực này lại đang đóng băng. Các số liệu xuất nhập khẩu đang suy giảm. Trong khi đó, Fed duy trì lãi suất cao khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc. Nền kinh tế trong nước đang bị tác động kép cả nội tại và ngoại vi.
"Các nhà làm chính sách sẽ phải tính đến chuyện quay xe cung tiền ra, phải nghĩ cách để tiền thẩm thấu và kích hoạt nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu chính sách gấp gáp như cơ thể bạo bệnh bị bơm thuốc bổ và khi cơ thể bị suy kiệt sẽ không dễ để hấp thụ", ông cho biết, và theo tính toán của ông, tính từ đầu năm đến nay có hàng chục nghị định gấp rút được ra mắt.
NHNN cũng đã bật đèn xanh cho chính sách tiền tệ thời gian tới. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại một cuộc họp gần đây cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ cân nhắc điều kiện nếu được thì sẽ giảm lãi suất điều hành, hướng tới mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn phải đảm bảo chính sách tiền tệ ổn định và an toàn kinh tế vĩ mô.