Ngân hàng 'mạnh tay' với kế hoạch tăng vốn
(DNTO) - Tăng vốn điều lệ, câu chuyện luôn "nóng" tại đại hội cổ đông thường niên của các ngân hàng.
Cách thức tăng vốn chủ yếu được các nhà băng đề ra là chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ từ 10-50%, ngoài ra còn có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ.
Tại đại hội cổ đông của Ngân hàng MB, phương án tăng vốn điều lệ được đưa ra với mục tiêu tăng thêm 8,3 ngàn tỷ đồng, tương đương mức tăng hơn 18%, từ 45.339 tỷ đồng lên 53.683 tỷ đồng bằng phương thức phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 15% và phần còn lại thực hiện theo kế hoạch đã được thông qua tại đại hội thường niên năm ngoái.
Không kém cạnh, ngân hàng VIB cũng đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn gần 4,3 ngàn tỷ đồng từ gần 21.077 tỷ đồng lên 25.368 tỷ đồng. Cụ thể, VIB dự kiến phát hành hơn 421 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 20% đồng thời dự kiến phát hành tối đa 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ 0,36%.
HDbank cũng đề ra kế hoạch bổ sung gần 4 ngàn tỷ đồng cho vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ phân phối là 15% và phát hành 20 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP). Nguồn vốn thực hiện lấy từ khoản mục lợi nhuận chưa phân phối tích lũy trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán sau khi trích lập các quỹ. Với kế hoạch này HDBank dự kiến tổng vốn điều lệ sẽ tăng từ 25.303 tỷ đồng lên 29.276 tỷ đồng.
Tại Vietbank, ngân hàng dự kiến tăng vốn thêm hơn 1 ngàn tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 21%. Được biết, kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn của ngân hàng này năm 2022 đã bị trễ hẹn do nhiều yếu tố tác động như lãi suất, thanh khoản thị trường... Với kế hoạch năm 2023, nếu thành công, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng từ 4.777 tỷ đồng lên 5.780 tỷ đồng.
Ngân hàng OCB sẽ phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ phát hành 50%, qua đó tăng vốn thêm khoảng 6,8 ngàn tỷ đồng, từ 13,6 ngàn tỷ đồng lên hơn 20 ngàn tỷ đồng. Ngân hàng hiện đang có 7.037 tỷ đồng lợi nhuận từ các năm để thực hiện điều này.
Tại ngân hàng quốc doanh như VietinBank, kế hoạch tăng vốn từ năm 2022 của doanh nghiệp này từ 48.057 tỉ đồng lên 53.700 tỉ đồng vẫn chưa được hoàn tất. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vietinbank, năm 2023, nếu tại thời điểm phát hành, vốn điều lệ vẫn đang ở mức 48.058 tỷ đồng thì tỷ lệ chia cổ tức là 25,66% đưa vốn điều lệ dự kiến tăng lên 60.387 tỷ đồng còn nếu vốn điều lệ đã lên 53.700 tỷ, thì tỷ lệ chia cổ tức là 22,96% và đưa nguồn vốn này dự kiến đạt 66.030 tỷ đồng.
Dù đặt ra các tỷ lệ tăng vốn khác nhau, tuỳ thuộc vào tiềm lực mỗi nhà băng nhưng có thể thấy đây là một nhiệm vụ trọng tâm và bức thiết mà các ngân hàng hướng tới. Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần được đánh giá là chủ động hơn trong xây dựng cơ sở vốn vững chắc thì khối ngân hàng quốc doanh lại khó khăn hơn khi nhiều nhà băng không thể hoàn thành theo đúng dự kiến tăng vốn, điển hình như Vietcombank, BIDV hay Vietinbank trong năm 2022. Theo VNdirect, nguyên nhân có thể "do ngân sách hạn hẹp và quá trình phê duyệt diễn ra chậm chạp".
Trả cổ tức bằng cổ phiếu là cách thức thường thấy mà các ngân hàng sử dụng tăng vốn. Trong bối cảnh khá thách thức để có thể tìm kiếm được các nhà đầu tư tiềm lực phù hợp với mục tiêu ngân hàng, đây là cách tốt nhất giúp các nhà băng cải thiện chỉ tiêu an toàn vốn để tăng trưởng tín dụng, nâng cao khả năng quản trị rủi ro đồng thời cũng tạo nguồn lực mạnh mẽ cho chính họ, đặc biệt với nhiều ngân hàng hướng tới mục tiêu chuẩn mực quốc tế Basel III.
Nhà đầu tư cũng kỳ vọng việc tăng vốn cùng kế hoạch phát hành riêng lẻ của các nhà băng có thể là những yếu tố tạo sự đột biến cho cổ phiếu ngân hàng. Điều đáng nói, trong tình hình thị trường hiện tại, kế hoạch của các nhà băng đã thể hiện sự lạc quan, niềm tin của họ cho năm 2023, một năm được đánh giá nhiều khó khăn phía trước.