'Cần ban hành quy định cụ thể về trần lãi suất cho vay để người dân dễ tiếp cận'
(DNTO) - Một trong các "điểm nghẽn" với ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam là thiếu cơ chế kiểm soát trần lãi suất cho vay và các loại phí kèm theo đối với các hình thức tài chính tiêu dùng phi chính thức, dẫn đến nhiều người chưa thật sự tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
Những năm gần đây, bên cạnh dịch vụ cầm đồ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhiều công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng, cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng cho hàng triệu khách hàng trên cả nước.
Tuy nhiên, song hành với sự tăng trưởng "nóng", thị trường này cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề bất ổn. Nhiều doanh nghiệp không được cấp phép, nhưng vẫn tiến hành hoạt động cho vay, không ít doanh nghiệp tự áp đặt lãi suất và phí vay cao trái quy định...
Tại tọa đàm "Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam", ngày 25/4, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng đang gặp nhiều vướng mắc, do quy định pháp luật còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định về "trần" lãi suất và thu hồi nợ.
Cụ thể, Bộ luật Dân sự quy định lãi suất cho vay không quá 20%/năm, nhưng không quy định về các loại phí, cũng như các vấn đề về thu hồi nợ, thu hồi tài sản...
Chỉ rõ thực trạng này, TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính, ngân hàng, cho rằng, lãi suất tín dụng tiêu dùng dù thuộc tổ chức tín dụng chính thức hay kênh không chính thức đều rất cao. Việt Nam có quy định, lãi suất trên 20% được xem là lãi suất không hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế không ai bị truy tố vì cho vay lãi suất cao hơn 20%. Luật thì có nhưng việc áp dụng luật chưa chặt chẽ, khiến lãi suất tín dụng có thể lên tới 20%-30%, thậm chí các tiệm cầm đồ, tín dụng đen còn tự hét lãi "trên trời" lên đến vài trăm %...", ông Hiếu cho hay.
Chưa kể, rất nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính áp dụng lãi và phí "cộng gộp" rất cao. Có loại lãi suất niêm yết trên giấy tờ, có loại lãi suất cộng thêm tất cả các loại phí là lãi suất thật, có thể lên đến vài trăm %. Chưa kể vẫn còn hiện tượng đi vay còn chịu cảnh "bia kèm lạc" khi phải mua theo hợp đồng bảo hiểm.
Dưới góc nhìn của Luật sư Trương Thị Hòa, đoàn Luật sư TP.HCM, vấn đề lãi suất hiện nay được quy định tại Điều 468 của Bộ Luật Hình sự là 20%/năm, nhưng phương thức tính lãi suất mới quan trọng. Lãi suất 20% nhưng tính phí theo thực tế thì phải tính theo dư nợ giảm dần chứ không phải dư nợ ban đầu...
“Các tổ chức tín dụng nên có khảo sát các đối tượng công nhân để xây dựng lãi suất phù hợp hơn. Hiện nay công nhân lao động thu nhập thấp đang phải "è cổ" trả lãi suất cao, dẫn đến nhiều người chưa thật sự tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng”, ông Hòa đề xuất.
Ông Lê Xuân Đồng, CFA, Giám đốc điều hành, Khối dịch vụ nghiên cứu và Tư vấn FiinGroup, nhấn mạnh, đã đến lúc các Tổ chức tín dụng chính thức (Ngân hàng, Công ty tài chính), NHNN cần có cơ chế kiểm soát lãi suất cho vay tiêu dùng.
"Hiện Luật các tổ chức tín dụng không quy định trần lãi suất cho vay, lãi suất được xác định dựa trên thỏa thuận với khách hàng, nhưng cần thông báo với NHNN về khung lãi suất cho vay và áp dụng thống nhất toàn hệ thống, không thu thêm bất kỳ khoản phí nào khác và được NHNN định hướng kiểm soát mức suất cho vay để hỗ trợ khách hàng trong phân khúc thu nhập thấp", ông Đồng cho hay.