Phó Thống đốc NHNN: 'Việc cho vay trên môi trường điện tử sẽ sớm được triển khai'
(DNTO) - "Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành xong Thông tư về bảo lãnh điện tử và đang phối hợp với các bộ ngành xử lý vấn đề giao dịch điện tử, chữ ký điện tử cho hoạt động ngân hàng để thuận lợi cho việc cho vay trên môi trường điện tử mà các ngân hàng đang rất quan tâm", ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN, cho hay.
Số hóa toàn diện để bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2023 (VBF 2023), ngày 19/3, bà Michele We, Trưởng Nhóm công tác Ngân hàng cho rằng, kế hoạch chuyển đổi số và cam kết bền vững của Việt Nam cần đến định hướng của Chính phủ và NHNN trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và chương trình chuyển đổi số quốc gia...
Để thực hiện những mục tiêu này, Nhóm công tác Ngân hàng khuyến nghị Việt Nam cần lộ trình nhanh chóng để áp dụng năng lượng xanh và khuôn khổ tài chính xanh phù hợp cho các dự án có khả năng vay vốn ngân hàng, như: phát triển các công cụ tài chính chuyển tiếp, chuẩn bị cho báo cáo môi trường – quản trị - xã hội (ESG); bắt đầu chuyển đổi danh mục đầu tư, các yếu tố trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.
Thay mặt Nhóm công tác Ngân hàng, bà Michele We đã đề xuất một vài kiến nghị: Cụ thể, Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để đẩy mạnh triển khai số hóa toàn diện gắn với Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử và chương trình chuyển đổi số hướng tới tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu.
"Việc đồng bộ hóa các quy định cũng đặc biệt quan trọng để thúc đẩy toàn diện quá trình số hóa, đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý để hoàn thiện khung pháp lý quản lý rủi ro liên quan đến an ninh mạng, định danh điện tử, xác thực điện tử, giao dịch điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, ưu tiên cho phép thực hiện toàn bộ quy trình định danh eKYC, công nhận chữ ký điện tử/định danh điện tử trong các thủ tục pháp lý và nghĩa vụ lưu trữ dữ liệu cụ thể", bà bà Michele We, nhận định.
Về tăng trưởng xanh, bà Michele We cho rằng, ngành tài chính - ngân hàng phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp hướng tới thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Tiến trình này sẽ tăng tốc khi các đối tác trong khuôn khổ JETP tiếp tục làm việc để tạo điều kiện lưu chuyển dòng tài chính khu vực tư nhân.
Góp ý đối với lĩnh vực bất động sản/thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo bà Michele We, các dấu hiệu suy yếu trong tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đặt ra một thách thức đối với các doanh nghiệp bất động sản trong việc huy động vốn và có thể dẫn đến biến động hệ thống tài chính trong ngắn hạn. Do đó, Chính phủ cần đề ra một kế hoạch phục hồi thị trường với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính và NHNN để bảo đảm hoạt động an toàn của hệ thống tài chính.
Sớm thông qua việc cho vay trên môi trường điện tử
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, trong tất cả các kiến nghị của Hiệp hội, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, đặc biệt lưu tâm đến các vấn đề chuyển đổi số mà Nhóm công tác Ngân hàng đã nêu. Đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và chỉ đạo trong suốt thời gian vừa qua.
Ngành ngân hàng cũng đang trên "đường cao tốc" so với nhiều lĩnh vực khác trong lĩnh vực chuyển đổi số. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa 100%. Các ngân hàng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data) trong đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân...", ông Dũng cho hay.
Cũng theo ông Dũng, nhiều cuộc tọa đàm góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thời gian gần đây, đại diện các ngân hàng thương mại tỏ ra băn khoăn về khả năng của NHNN trong việc hoàn thiện quy định về giao dịch điện tử. Chẳng hạn, BIDV cho rằng các sản phẩm công nghệ, sản phẩm số đang phát triển không ngừng, và các ngân hàng với nguồn lực sẵn có sẽ liên tục ứng dụng công nghệ mới. Nếu quản lý nhà nước không theo kịp thì sẽ cản trở sự phát triển…
Hay dự thảo quy định việc ngừng giao dịch phải được ngân hàng, công ty tài chính công bố tại nơi giao dịch trước 24 giờ. Vậy với các hình thức giao dịch điện tử trên website, ứng dụng điện tử thì đâu là nơi giao dịch, và các tình huống sự cố mạng hoặc thiết bị nằm ngoài phạm vi ngân hàng thì dự liệu thế nào?
"NHNN đã ban hành xong Thông tư về bảo lãnh điện tử, và sắp tới đây, Thống đốc chỉ đạo việc cho vay trên môi trường điện tử mà các ngân hàng đang rất quan tâm. Chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành xử lý vấn đề giao dịch điện tử, chữ ký điện tử cho hoạt động ngân hàng, hy vọng sẽ thu được kết quả tích cực đáp ứng được các yêu cầu của hệ thống ngân hàng", Phó Thống nói và cho hay, cam kết trong thời gian tới tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý các vấn đề liên quan trực tiếp đến ngành ngân hàng và phối hợp với các bộ, ngành xử lý các vấn đề liên quan.
"Hiện NHNN và Hiệp hội Ngân hàng, Nhóm công tác Ngân hàng thường xuyên làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để bàn bạc, trao đổi cụ thể về hợp đồng điện tử. Đây là vấn đề tác động khá lớn đến ngân hàng", Phó Thống đốc cho biết thêm.