Bán lẻ ngân hàng: 'Cuộc đua' ngày càng nảy lửa
(DNTO) - Tín dụng bán lẻ đang là "miếng bánh" béo bở được tất cả nhà băng nhắm tới để cải thiện biên lãi ròng (NIM) và phân tán rủi ro. Để giành vị trí "ngôi vương", nhiều nhà băng không ngại mạnh tay chi cho công nghệ, khiến mặt trận bán lẻ ngày càng khốc liệt hơn.
Mảnh đất màu mỡ để gặt hái
Trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn chưa hết nóng, thị trường vốn và bất động sản rơi vào cảnh "chợ chiều", tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng được dự báo sẽ "chùng xuống" trên 10% (so với mức tăng trưởng trung bình là 35% trong năm 2022 và 32% trong năm 2021) trong năm 2023 trước những áp lực đối với NIM và chất lượng tài sản trong trung hạn.
Để tìm "cửa sáng", hầu hết các công ty chứng khoán cho rằng, cho vay bán lẻ sẽ là lực kéo tăng trưởng cho ngành ngân hàng trong năm 2023, và đây sẽ là lợi thế vượt trội đối với nhà băng nào biết "đánh" mạnh vào phân khúc này.
“Do bối cảnh kinh tế vĩ mô cũng như áp lực lạm phát, một bộ phận lớn cư dân sẽ có xu hướng hạn chế chi tiêu và tăng tiết kiệm cũng như tìm kiếm kênh đầu tư an toàn dài hạn. Thêm vào đó, các ngân hàng cũng đang nỗ lực giảm thiểu rủi ro tập trung, vì vậy, kênh tín dụng bán lẻ vẫn được kỳ vọng là cỗ máy hái tiền trong năm 2023”, Chứng khoán MiraeAsset nhận định.
Trên thực tế, kênh bán lẻ đã là "át chủ bài" chiến lược của nhiều ngân hàng trong những năm qua và một số nhà băng đã đạt tỉ trọng bán lẻ đáng mơ ước.
Đơn cử, VIB và ACB hiện đang là những ngân hàng top đầu về tỉ trọng bán lẻ, đều đạt trên dưới 90% trong tổng danh mục. Những nhà băng khác như VietinBank, VPBank, TPBank, và MB cũng là những cái tên đáng chú ý khi đã thành công trong việc nâng tỷ trọng bán lẻ trong năm 2022, hiện cũng đã chiếm trên 50%.. . Điển hình như Techcombank luôn là ngân hàng duy trì tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản và liên quan bất động sản cao nhất thị trường khi tệp khách hàng của nhà băng này cũng chủ yếu là nhóm “đại gia” bất động sản như Vingroup, Sungroup…
Tại tờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, lãnh đạo VIB cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực ngân hàng bán lẻ và dẫn đầu thị trường về tính năng và độ cạnh tranh của các dòng sản phẩm cho vay mua nhà, mua ô tô, kinh doanh, thẻ tín dụng, tiền gửi gói sản phẩm chi lương, ngân hàng giao dịch, ngân hàng số…
Đại diện Agribank cho hay ngân hàng đã phát triển phân khúc ngân hàng bán lẻ với gần 20 triệu khách hàng có tài khoản tiền gửi thanh toán, gần 17 triệu khách hàng sử dụng thẻ ATM... Số lượng khách hàng là hộ gia đình, cá nhân ở khu vực nông nghiệp nông thôn chiếm tỉ lệ gần 80% trên tổng số khách hàng của Agribank. Đây là đối tượng khách hàng truyền thống trong huy động vốn và đầu tư tín dụng.
Theo nhận định của bà Phạm Thùy Dương, Phó giám đốc Bộ phận Phân tích, Dragon Capital dẫn số liệu về dư nợ cá nhân hộ tiêu dùng trên GDP ở Việt Nam mới chỉ khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc. Thêm nữa, tỷ lệ lan tỏa của sản phẩm cho khách hàng cá nhân ở Việt Nam như cho vay mua nhà, thẻ tín dụng hoặc bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng hiện cũng chưa cao. Chẳng hạn, thẻ tín dụng hiện nay chỉ chiếm khoảng 8-10% dân số trong khi Singapore là 95%... Do đó, tiềm năng tăng trưởng của mảng ngân hàng bán lẻ sẽ tính bằng lần, và là thị trường mở rộng cho tất cả các ngân hàng biết tận dụng cơ hội để bứt phá.
Áp lực cạnh trạnh ngày càng lớn
Để có thể "chiến thắng" trong cuộc đua bán lẻ, nhiều ngân hàng đã tiên phong làm ra sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng số hóa cao và đi sâu đáp ứng nhu cầu khách hàng ở đa dạng độ tuổi. Cụ thể, công nghệ hỗ trợ triển khai các sản phẩm “may đo” đến từng khách hàng và đặc biệt, góp phần nâng cao hiệu quả của việc quản trị ngân hàng, khai thác dữ liệu một cách nhất quán, nhanh chóng, chính xác… Nhờ đó, lượng khách hàng mới mà ngân hàng thu hút được mỗi năm bằng cả chục năm giai đoạn trước cộng lại.
Ghi nhận từ báo cáo kết quả kinh doanh cuối năm 2022 của các ngân hàng cho thấy, số lượng khách hàng mới mà các nhà băng thu hút được nhờ ứng dụng số hóa đang tăng lên rất mạnh. Chẳng hạn, trong năm 2022, MB đã tăng thêm được 7 triệu khách hàng nhờ phát triển các ứng dụng Biz MBBank và App Thiện Nguyện. Techcombank với các ứng dụng E-Banking đã thu hút thêm 1,2 triệu người dùng trong năm 2022. Trong khi đó ACB, TPBank đều cho biết số lượng khách hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng số tăng trưởng 30% mỗi năm trong giai đoạn 2019-2022 vừa qua.
Bước sang năm 2023, các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng đang tìm mọi cách để cải thiện NIM và phân tán rủi ro. Theo đó, cuộc chạy đua số hóa trên thị trường tín dụng bán lẻ sẽ "nảy lửa" hơn.
Ghi nhận mới đây, VIB đã ra mắt ứng dụng ngân hàng số MyVIB 2.0. Đây là ứng dụng ngân hàng số sử dụng công nghệ điện toán đa đám mây (multi-cloud) để xử lý 60-70% các tính toán từ dữ liệu đầu vào, giúp nhà băng hiện thực hóa ý tưởng, đưa sản phẩm dịch vụ đến thị trường nhanh hơn và đáp ứng sớm hơn các yêu cầu của khách hàng.
Không chỉ VIB, ồ ạt làn sóng “mây hóa” các ứng dụng ngân hàng số, mà hàng chục cái tên khác như VietABank, PvcomBank, VietinBank, Techcombank, SeABank, ABBank, OCB… đều đang tích hợp các công nghệ điện toán đám mây để ra mắt các nền tảng ngân hàng số mới mẻ phục vụ bán lẻ sản phẩm, dịch vụ, thu hút hàng triệu người dùng.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngân hàng bán lẻ, tại Hội nghị “Dịch vụ Tài chính Bán lẻ xuất sắc năm 2023”, mới đây, ông Emmanuel Daniel, nhà sáng lập TAB toàn cầu cho hay, ở bất cứ ngành nghề nào trên thế giới, con người vẫn là yếu tố chủ đạo, do đó khách hàng cá đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các ngân hàng. Mỗi nhà băng hiện vừa phải đảm bảo tuân thủ pháp luật vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng, áp dụng nhiều yếu tố sáng tạo, trong hoạt động của mình.