Gỡ các 'điểm nghẽn' pháp lý, tạo bệ phóng cho ngân hàng bán lẻ phát triển
(DNTO) - Hoạt động ngân hàng bán lẻ luôn là mảng cốt lõi của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều điểm nghẽn pháp lý,rất cần nhanh chóng tháo gỡ để ngân hàng bán lẻ thực sự trở thành động lực giúp ngân hàng bứt phá trong giai đoạn “bình thường mới”.
Kinh tế phục hồi sẽ mở ra cho các ngân hàng nhiều dư địa tăng trưởng, trong đó mảng tăng trưởng đột phá được nhiều ngân hàng kỳ vọng là tín dụng bán lẻ. Báo cáo mới công bố của HSBC cho biết, sau khi giảm gần 4% trong năm 2021, doanh thu bán lẻ trong tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm trước.
Lướt qua báo cáo thường niên của các tổ chức tín dụng những năm gần đây, phát triển ngân hàng bán lẻ là điều được phần lớn các nhà băng đề cập. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là những đơn vị sớm định hướng theo chiến lược này, nổi bật như VIB, VPBank, MSB...
Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cho biết, năm 2022, ngân hàng này tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao mảng bán lẻ. Đồng thời đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 5 năm tới là trên 30%/năm.
Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng lạc quan cho rằng năm 2022, tất cả phân khúc chiến lược của ngân hàng này sẽ quay lại "đường ray" tăng trưởng, như tín dụng tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Đánh giá về tiềm năng phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, nhận định, mảng bán lẻ đã trở thành xu hướng chuyển dịch tất yếu và là chiến lược phát triển trọng tâm của các ngân hàng.
"Nhờ xu hướng phát triển của ngân hàng bán lẻ mà các ngân hàng giữ được tốc độ tăng trưởng, vượt qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đồng thời tạo ra những giá trị gia tăng: Lũy kế 2 năm hệ thống ngân hàng đã miễn giảm hơn 37.500 tỷ đồng tiền lãi vay, miễn phí khoảng 80% số lượng giao dịch với số tiền 2.557 tỷ đồng...", TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng bán lẻ trong bối cảnh hiện nay khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, vẫn đang bộc lộ những điểm nghẽn pháp lý bất cập khi phải đối diện với những thách thức trong hệ thống IT, bảo mật, trải nghiệm người dùng..., đòi hỏi các cơ quan quản lý phải hành động ngay để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm thích ứng với tình hình mới.
Theo đó, ngân hàng nhà nước đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định về Cơ chế thử nghiệm (Sandbox) có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng dự kiến sẽ hoàn thiện trong quý II/2022 để trình Chính phủ.
Nêu quan điểm tại "Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2021", ngày 25/3, để ngân hàng bán lẻ thực sự trở thành động lực giúp ngân hàng bứt phá trong giai đoạn “bình thường mới”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đưa ra 2 nhóm giải pháp cho các tổ chức tín dụng và cơ quan quản lý Nhà nước.
Giải pháp thứ nhất, các tổ chức tín dụng cần thay đổi, cập nhật chiến lược, chính sách, quy trình, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ngân hàng mở để thích ứng linh hoạt với điều kiện bình thường mới và nhu cầu mới của khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh tự động hóa, tiết giảm chi phí, cải thiện hiệu quả hoạt động... Đặc biệt, chú trọng quản lý rủi ro mới, rủi ro an ninh mạng, dữ liệu; nâng cao năng lực tài chính và xử lý nợ xấu
Ngoài ra, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy phục hồi và tận dụng cơ hội chuyển đổi số, tiền kỹ thuật số, ngân hàng xanh với cách tiếp cận phù hợp; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp và ngành ngân hàng.
"Sự phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm thực hiện tốt Chương trình phục hồi và kiểm soát lạm phát, rủi ro hệ thống, đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, luật hóa xử lý nợ xấu với điều chỉnh, lộ trình phù hợp là yếu tố quan trọng thúc đẩy dịch vụ ngân hàng bán lẻ phát triển", ông Lực nhận định.