Lãi suất ngân hàng 'dễ thở' hơn nhưng vẫn khó tiếp cận
(DNTO) - Trái với dự báo, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động, kéo theo lãi suất cho vay phần nào "hạ nhiệt". Tuy nhiên, mức giảm của lãi vay vẫn được đánh giá còn chưa như kỳ vọng và khó tiếp cận.
Sau những cơn sóng tăng lãi suất huy động hồi cuối năm 2022, mặt bằng lãi suất đầu năm 2023 đã dần hạ nhiệt.
Cập nhật báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1/2023 và có dấu hiệu ngày càng giảm nhiệt tại một số ngân hàng với mức độ giảm dao động quanh mức 0,5%. Hiện lãi suất huy động các ngân hàng phổ biến ở mức 8-9,5% với tiền gửi thông thường.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, thời gian qua, nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước không nâng lãi suất huy động “kịch khung”. Các ngân hàng thương mại đã thống nhất giảm thêm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường. Thực tế là nhiều ngân hàng đã có kế hoạch giảm lãi suất huy động VND về tối đa 8,5%/năm với tổ chức và 8,7%/năm với cá nhân, thay vì mức 9,5%/năm như hiện nay.
Trong tuần trước, nhóm ngân hàng Big 4 đã có cuộc họp, thống nhất sẽ hạ lãi suất huy động dân cư, dẫn đến kỳ vọng sẽ lan tỏa ít nhiều khả năng giảm lãi suất tới các ngân hàng thương mại. Và thực tế việc hạ lãi suất này đã và đang diễn ra.
Theo khảo sát mới nhất, hôm nay 22/2, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở để tính lãi suất cho vay.
Như tại TPBank, lãi suất cơ sở đã được điều chỉnh giảm từ mức 10,40-11,9%/năm xuống còn 10,25-11,75%/năm; SHB cũng đã điều chỉnh lãi suất hôm 14/02. Cụ thể, mức lãi suất cơ sở cao nhất tại ngân hàng này đã được hạ từ 12,7% xuống còn 12,5%; mức thấp nhất được giảm từ 11,2% xuống còn 10,7%.
Sacombank cũng điều chỉnh mức lãi suất cơ sở thấp nhất từ 6,5% xuống còn 6,3%. Tuy nhiên, mức cao nhất lại được nâng từ 10,1% lên 10,4%. Ngân hàng này vừa qua cũng đã tung ra chương trình hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng vay tiêu dùng hoặc sản xuất kinh doanh tại Sacombank. Theo đó, khách hàng vay khi vay vốn tại ngân hàng có thể được hưởng mức lãi suất ưu đãi từ 7,5-8,99%/năm.
Tại SeABank, lãi suất cơ sở của nhà băng vẫn là 12%, áp dụng đối với các khoản vay giải ngân và ký hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ từ ngày 9/7/2020. Tuy lãi suất cơ sở chưa thay đổi, song ngân hàng vừa tung ra gói tín dụng ưu đãi 3.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%/năm đối với một loạt các ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Tại Techcombank, lãi suất cơ sở đang ở mức 10,25%-10,85%/năm, và ngân hàng cũng tung ra gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với ưu đãi lãi suất 2% dành cho doanh nghiệp sản xuất, thương mại có hoạt động xuất nhập khẩu.
Một số ngân hàng khác cũng đang có các chương trình giảm lãi suất hoặc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp hơn thị trường.
Như Agribank tuyên bố giảm tối đa 3% lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản và dành ngân sách 100.000 tỷ để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng; VietinBank cũng công bố gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023.
BIDV cho biết triển khai gói cho vay ngắn hạn (từ ngày 1/1-30/4/2023) với quy mô 30.000 tỷ giúp khách hàng vay vốn với lãi suất từ 8-9%. Không dừng lại ở đó, nhà băng này cũng triển khai gói vay tín dụng năm 2023 (với gói vay trên 12 tháng) lên tới 100.000 tỷ đồng phục vụ vay nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh. Theo đó, khách hàng có thể tiếp cận vốn với mức lãi suất từ 10,3-10,9%/năm.
Trong khi đó, Vietcombank cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023 đến hết tháng 4/2023...
Các chuyên gia nhận định, áp lực tỷ giá là yếu tố chính khiến lãi suất điều hành tăng trong năm 2022, nay áp lực này hạ nhiệt là cơ sở để NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023, cũng như định hướng kìm giữ đà tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, hỗ trợ giúp lãi suất hiện nay hạ nhiệt đáng kể so với trước là yếu tố mùa vụ. Hoạt động tín dụng những tháng đầu năm thường tăng trưởng khá chậm chạp do nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh thời điểm này rất thấp, ngược lại dòng tiền có xu hướng chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng thông qua gửi tiết kiệm đầu năm sau khi người lao động nhận thưởng dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, việc NHNN sửa quy định về cách tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) cũng góp phần giảm áp lực huy động vốn cho nhiều ngân hàng.
Nhiều sức ép tác động
Có thể thấy, động thái của các ngân hàng như trên là rất đáng mừng trong bối cảnh doanh nghiệp phải chịu lãi suất cao nhiều tháng qua. Tuy nhiên, mức giảm của lãi vay vẫn được đánh giá còn ít và chưa như kỳ vọng của thị trường, bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Chưa kể, không ít doanh nghiệp sản xuất vẫn băn khoăn lo khó tiếp cận các gói vay lãi suất thấp. Đại diện các doanh nghiệp trần tình, một số ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho vay chủ yếu chỉ dành cho một số ít khách hàng “siêu VIP”, chứ những công ty nhỏ và vừa thì không dám mơ được vay với mức lãi suất thấp. Bởi với các yêu cầu về doanh số, chỉ tiêu lợi nhuận… thì doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ rất khó để thỏa mãn các điều kiện mà ngân hàng đưa ra.
Đơn cử, tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp, mới đây, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho hay đầu năm nay, các doanh nghiệp rất cần vay vốn để hoạt động nhưng quá gian nan. Nhiều công ty đang bị ngân hàng đánh giá lại giá trị tài sản chỉ còn 50 - 60% so với trước đây nên hạn mức cho vay giảm mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều quy định cho vay siết chặt hơn trong khi ngành dệt may vẫn đang sụt giảm đơn hàng từ 30-40% và lợi nhuận trên từng đơn hàng cũng lao dốc. Vì vậy, ông Việt kiến nghị các ngân hàng cần linh hoạt hơn khi cho vay, nhất là với các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó vì tình hình kinh tế chung, không chuyển doanh nghiệp vào nhóm nợ xấu...
Cùng với đó là nỗi lo niềm vui "ngắn chẳng tày gang" khi đây có phải xu hướng hạ lãi suất dài hạn để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hay không, bởi còn rất nhiều yếu tố bủa vây.
Đơn cử tuần vừa qua, khi Mỹ công bố chỉ số CPI đã dấy lên lo ngại Fed sẽ “diều hâu” hơn trong đợt tăng lãi suất vào tháng 3 tới. Giới đầu tư cũng lo ngại một đợt tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm của Fed sẽ tiếp tục gây sức ép với lãi suất của Việt Nam. Có những nhận định lạm phát đã đạt đỉnh thì lạm phát sẽ suy giảm, song tốc độ suy giảm quá chậm so với kỳ vọng.
Bên cạnh đó, đồng USD tiếp tục tăng giá cũng là một yếu tố quan trọng gây áp lực lên lãi suất VND. Các chuyên gia của FiinGroup cho rằng, mặt bằng lãi suất trong nước khó có thể giảm trước năm 2024, đặc biệt khi điểm “nghẽn” về thanh khoản hiện vẫn chưa được xử lý.