Doanh nghiệp than lãi suất cho vay 'trên trời', Ngân hàng Nhà nước lên tiếng
(DNTO) - Thực tế từ cuối năm 2022, 16 ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất từ 0,5% - 3%/năm để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Thế nhưng với mặt bằng lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức 12 - 15%/năm, khiến doanh nghiệp và người dân "lắc đầu" ngao ngán.
Dù đang trên đà hồi phục song doanh nghiệp Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế vẫn đối mặt nhiều nguy cơ, thách thức. Lãi vay cao đang là mối lo lớn nhất của các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Chính phủ đã yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng. Thế nhưng gần 1 tháng trôi qua, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn còn ở mức "trên trời", khiến khách hàng khó có thể tiếp cận được dòng vốn này.
Phát biểu tại Tọa đàm “Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp”, chiều ngày 6/2, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng, nếu lãi suất cho vay trung, dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư.
Chưa kể, hiện nay, doanh nghiệp đang sử dụng tài sản bất động sản làm tài sản thế chấp để vay vốn. Trong bối cảnh giá bất động sản giảm, tỉ lệ giải ngân trên giá trị bất động sản giảm thì nguồn vốn giải ngân cho doanh nghiệp rất thấp. Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng vay nhưng cả 2 giá trị bị kéo xuống, tỉ lệ giải ngân cũng bị kéo xuống, buộc họ phải bổ sung tài sản thế chấp, thực tế này đang tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp...
"Đầu năm mới chúng tôi rất mong muốn lãi suất cho vay giảm để tính toán chuyện làm ăn. Nhưng bao giờ lãi suất mới giảm khi ngân hàng còn đua lãi suất huy động như hiện nay? Cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư”, ông Hòa kiến nghị.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, trong khi doanh nghiệp FDI được tiếp cận vốn rẻ, thì doanh nghiệp nội địa đang phải vay vốn với lãi suất cao, làm giảm năng lực cạnh tranh.
Dù Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các thành viên đồng thuận mức lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm, nhưng trên thực tế lãi suất huy động cao hơn nhiều so với con số công bố trên website nếu khách hàng gửi số tiền lớn với kỳ hạn trên 6 tháng.
“Trong điều kiện lạm phát tăng lên, lãi suất cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa. Nếu lãi suất cao 15%-16%/năm như hiện nay, làm sao doanh nghiệp sống được?”, ông Thiên lo lắng.
Mặc dù thừa nhận ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng cần có lợi nhuận để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, song nhiều ý kiến tại tọa đàm nhận định rằng, với lợi nhuận ngân hàng tăng cao như thời gian qua, ngân hàng hoàn toàn có điều kiện để đồng hành, chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp.
"Một giải pháp có thể thực thi nhanh hiện nay đó là ngân hàng giảm tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Tỷ lệ NIM của các ngân hàng hiện nay đang ở mức cao trong khi nền kinh tế gặp nhiều thách thức, NIM của các NH vẫn đang phổ biến từ 3 - 7% là quá cao. Do đó, cần phải kéo giảm NIM xuống thấp, đặc biệt các ngân hàng lớn để hỗ trợ cho nền kinh tế", TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Đại học Kinh tế TP. HCM), cho hay.
Ngân hàng nhà nước lên tiếng
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, bản thân các ngân hàng cũng muốn giảm lãi suất cho vay để tránh nợ xấu từ khách hàng, tác động đến lợi nhuận công bố. Thế nhưng có "mạnh tay" giảm được lãi vay hay không còn phụ thuộc vào lãi suất huy động.
Thực tế, lãi suất huy động dù đang ở mức 9,5%/năm nhưng các ngân hàng cũng khó khăn trong việc thu hút vốn. Vì vậy, nếu đưa lãi suất huy động thấp thì việc này còn khó khăn hơn. Hơn nữa, trong bối cảnh các nước trên thế giới tăng lãi suất, chẳng hạn mới đây Mỹ mới tăng lãi suất thêm 0,25%/năm mà Việt Nam đi ngược lại, giảm lãi suất là bài toán khó cho hệ thống ngân hàng.
"Việc kêu gọi giảm lãi suất, cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí cho vay hiện vẫn đang được chỉ đạo triển khai trong hệ thống ngân hàng. Dù mức giảm không nhiều, chưa đủ để kéo lãi vay nhưng NHNN sẽ có thêm các giải pháp quyết liệt thì chắc chắn vấn đề lãi vay quá cao hiện nay sẽ được giải quyết... Khi thanh khoản thị trường tốt lên, lãi suất huy động vốn giảm sẽ kéo lãi suất vay đi xuống trong thời gian tới", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Đồng thời cho biết trong năm 2023, sẽ tập trung nhiều giải pháp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên.
Cụ thể, sẽ tập trung 3 nhóm giải pháp chính. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (bao gồm doanh nghiệp xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) với mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa (bằng tiền đồng) không quá 5,5%/năm.
Thứ hai, sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tổ chức triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN. Trong đó, tập trung mạnh hỗ trợ tối đa cho các nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh các ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh những năm vừa qua để tạo cơ hội phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, đẩy mạnh các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tổ chức thường xuyên các buổi đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với từng nhóm doanh nghiệp, nhóm ngành nghề để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương theo đặc thù từng ngành nghề, từng thời điểm và nhu cầu vốn.