Kỳ vọng tỷ giá USD/VND 'chuyển mình' tích cực trong năm 2023
(DNTO) - Bước sang năm 2023, áp lực tỷ giá đã phần nào bớt sóng gió, nhưng theo các chuyên gia, thách thức vẫn không nhỏ với nhà điều hành khi vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhiều áp lực nằm ngoài kiểm soát không thể chủ quan.
Sẽ biến động trong biên độ hẹp
Dù chiu áp lực lớn từ thị trường quốc tế, song kết thúc năm 2022, căng thẳng tỷ giá USD/VND nhanh chóng khép với mức tăng khoảng 3,5% so với cuối năm 2021. Với biên độ này, mức mất giá của VND so với USD thấp hơn các đồng tiền khác trên thế giới.
Dự báo về tỷ giá trong năm 2023, mặc dù tốc độ tăng lãi suất đã bắt đầu chậm lại, nhưng xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới chưa chấm dứt, điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Anh (BoE). Trong đó, ECB thậm chí đã đưa ra thông điệp về lộ trình tăng lãi suất chậm rãi, nhưng với thời gian tăng kéo dài.
Theo đó, dù áp lực tỷ giá đang dịu dần nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhiều áp lực nằm ngoài kiểm soát nên không thể chủ quan.
Cụ thể, giữa tuần 2-6/1, đồng USD bất ngờ tăng vọt chạm đỉnh cao 4 tháng. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới tăng vọt trước và sau khi Fed công bố biên bản họp cuộc họp tháng 12/2022, có lúc lên trên 105,6 điểm.
Thị trường được phen chứng kiến đồng USD tăng "nóng" ngày 3/1 trước khi Fed công bố biên bản nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì xu hướng tăng lãi suất để giảm lạm phát, đây cũng là tuần NHNN khá thận trọng. Hôm 6/1, lần đầu tiên sau 3 tuần, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm thêm 1 đồng lên 23.605 đồng/USD. Tiếp đó ngày 7/1 tỷ giá trung tâm nhích nhẹ lên mức ở mức 23.606 đồng/USD, tăng 1 đồng/USD.
Song, các chuyên gia nhìn nhận, tiền đồng cũng không có nhiều khả năng tăng giá trong năm 2023 do môi trường lãi suất cao ở các nền kinh tế phát triển sẽ được duy trì trong suốt năm. Ngoài ra, triển vọng xuất khẩu kém nên Chính phủ sẽ có động lực chấp nhận tiền đồng mất giá thêm hoặc tăng cường tích trữ ngoại hối trở lại...
Do đó, việc nới lỏng mục tiêu lạm phát cho thấy ổn định tỷ giá sẽ không còn là ưu tiên chính sách như năm 2022. Bộ phận phân tích tại Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng, tỷ giá USD/VND sẽ quay về chuỗi ngày ổn định hơn trong năm 2023, và nếu có chỉ biến động trong biên độ hẹp 2%.
"Riêng quý I/2023, tỷ giá trong nước sẽ biến động nhẹ quanh 23.500 VND/USD nhờ nguồn cung ngoại tệ được dự báo tương đương mức đạt được trong năm 2022, khi hoạt động xuất khẩu bắt đầu chịu nhiều áp lực hơn và kỳ vọng dòng vốn FDI và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam", KBSV đánh giá.
NHNN sẽ điều hành tỷ giá ra sao?
Tỷ giá ổn định, về cơ bản, sẽ tạo dư địa để NHNN độc lập trong điều hành lãi suất tiền đồng, điều tiết thị trường tiền đồng theo hướng bảo đảm thanh khoản, duy trì lãi suất tiền đồng liên ngân hàng thấp để tiết giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.
“Nếu điều kiện thuận lợi cho phép, kể cả tỷ giá và lãi suất sẽ điều hành theo hướng giảm thấp”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Cụ thể, trong diễn biến gần đây, NHNN đã có động thái mới. Theo đó, sau hơn 3 tháng tạm dừng, NHNN đã quay trở lại hoạt động mua ngoại tệ với việc đưa ra giá chào ở mức 23.450 đồng/USD.
Cột mốc trên ghi nhận từ ngày 10/1/2023, khi tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng xuyên thủng mốc 23.450 VND mà Sở Giao dịch NHNN mua vào. Và chỉ trong khoảng một tuần giao dịch sau đó, nhà điều hành đã mua ròng khoảng 3 tỷ USD.
Một mặt, với lượng mua ròng trên, nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia nhanh chóng được trám "lỗ hổng" đáng kể. Mặt khác, thị trường được bổ sung ngay nguồn VND cung ứng. Khoảng 70.000 tỷ đồng cung ứng qua kênh mua vào ngoại tệ này có ngay đầu năm mới, vừa giúp xoa dịu vấn đề thanh khoản vừa góp thêm yếu tố để bình ổn lãi suất sau khi đã lên mặt bằng khá cao.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, việc NHNN chào mua USD trở lại xuất phát từ việc dòng ngoại tệ vào thị trường giai đoạn này đã có sự cải thiện tích cực. Kéo theo đó, nhà điều hành tiền tệ đang cho thấy sự tự tin về dòng ngoại tệ trong giai đoạn tới đi kèm với khả năng có thể tiến hành mua bổ sung dự trữ ngoại hối vốn đã giảm sút mạnh trong giai đoạn vừa qua.
“Nếu Fed tiếp tục "rượt đuổi" lãi suất, NHNN có thể cân nhắc cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa, bao gồm giảm tỷ giá tham chiếu nhanh hơn. Với áp lực tỷ giá hối đoái dai dẳng, việc bán ngoại tệ trực tiếp có thể được sử dụng rất thận trọng để duy trì dự trữ ngoại hối”, giới phân tích nhận định.