Lãi suất ngân hàng nào đang cao nhất?
(DNTO) - Nhiều ngân hàng thương mại vẫn neo mức lãi suất tương đối cao như NCB hay SCB, từ 9,5% trở lên trước áp lực huy động vốn, đảm bảo thanh khoản ngân hàng.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, dù mặt bằng lãi suất huy động chung của nhiều nhà băng đã giảm, tuy nhiên một số ngân hàng thương mại vẫn giữ tỷ lệ tương đối cao.
Ngân hàng Quốc dân (NCB) áp mức lãi suất lên tới 9,9% từ cuối tháng 12/2022 với gói kỳ hạn 13 tháng tiết kiệm online. Các gói có kỳ hạn từ 6 tháng đến một năm đều giữ mức cao trên 9%.
Trong khi đó Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) cũng áp mức lãi suất lên tới 9,5% cho các khoản tiền gửi có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên với gói 13 tháng. Tại Ngân hàng Sài Gòn Công thương (Saigon Bank), KienLongBank, mức lãi suất 13 tháng cũng đang được áp dụng tỷ lệ 9,5%; Ngân hàng OCB và PVcomBank trên 9%.
Nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV lại duy trì mức lãi suất kém hấp dẫn hơn và không có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngân hàng. Như ở Vietcombank và BIDV đều có mức lãi suất cho 12 tháng chỉ 7,4%, gói 6 tháng chỉ còn 6%.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, mức lãi suất đã được điều chỉnh so với trước sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp như Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú từng phát biểu: "Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo Ngân hàng Nhà nước để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ''.
Mặc dù vậy, mức giảm lãi suất một phần được dựa trên năng lực của từng tổ chức tín dụng nên cũng không tránh khỏi nhiều ngân hàng vẫn giữ mức lãi suất cao so với mặt bằng chung.
Theo bà Lê Thu Hà, Kinh tế trưởng của VCBS, sau sự việc liên quan đến Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định ưu tiên cao nhất là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống. Và việc các ngân hàng buộc phải neo lãi suất cao là điều khó tránh. "Trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động", bà nhận định.
Dù hiện tại lãi suất đã phần nào dễ thở hơn so với giai đoạn trước, tuy nhiên theo nhận định của bà chuyên gia, áp lực với lãi suất sẽ nhiều nhất vào thời điểm sáu tháng đầu năm nay "trước khi đi ngang hoặc thậm chí hạ nhiệt vào nửa cuối năm".
Nhận định về năm 2023, kinh tế trưởng VCBS cho biết, lãi suất huy động khả năng đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 100-150 điểm cơ bản (1-1,5%). Trong hoàn cảnh đó, lãi suất cho vay có thể ghi nhận mức tăng thấp hơn lãi suất huy động và sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các ngành nghề. Do đó, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn, đặc biệt khi rủi ro nợ xấu ngân hàng cũng tăng lên, mức tín dụng không quá dư thừa cũng khiến các ngân hàng thương mại cẩn trọng với danh mục phê duyệt tín dụng.
Cũng theo bà Lê Thu Hà, năm 2023, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục cao hơn đáng kể so với năm ngoái, mặt bằng trung bình khả năng cao neo quanh 7% đối với các kỳ hạn 1 đến 3 tháng. Đối với các kỳ hạn ngắn có thể dao động ở mức thấp hơn trong điều kiện dòng vốn đầu tư có những diễn biến thuận lợi hơn so với kỳ vọng.