Chuyên gia tài chính: Lãi suất sẽ hạ nhiệt cuối quý I/2023 và trở về ổn định vào cuối quý II/2023
(DNTO) - TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính nhận định kinh tế Việt Nam sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III trở đi với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ.
Tại tọa đàm Dự báo Kinh tế - Vượt "cơn gió ngược" 2023, do Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 27/12, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, thời gian qua, lãi suất huy động đã dâng lên quá cao. Có Ngân hàng Thương mại huy động tới 12,5%, mức phổ biến cũng 10-11%. Sau khi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các Ngân hàng Thương mại thống nhất đưa lãi suất huy động ở mức cao nhất cũng không quá 9,5%, cùng với các biện pháp hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước, thì lãi suất mới có dấu hiệu hạ nhiệt. Lãi suất huy động cao khiến lãi suất cho vay chịu áp lực rất lớn, ông nói.
Tuy nhiên, năm 2023, các chuyên gia dự báo lãi suất sẽ có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty dữ liệu WiGroup, hiện tại, dòng tiền đang chịu áp lực lớn. Tổng cung tiền trong nền kinh tế đi ngang và giảm nhẹ cả năm qua. Đây là hiện tượng chưa bao giờ xuất hiện trong 20 năm qua. Trong khi đó, tăng trưởng cung tiền cần 12 - 13% để nền kinh tế tăng trưởng", ông Báu chia sẻ.
Nhưng việc thắt chặt này là không tránh khỏi trước hàng loạt áp lực đến từ bên ngoài. Vị CEO này nhận định: Năm 2023 tình hình sẽ dần dễ thở hơn, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý 2/2023. Lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần. Khó khăn cũng sẽ qua, thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm.
Chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hiển cũng nhận định kinh tế Việt Nam sẽ giảm khó khăn từ quý 2/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý 3 trở đi với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ.
TS. Hiển dự báo, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II trở đi. Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong quý I, quý II/2023 và sẽ phục hồi tăng vào quý 3. Như vậy, nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý 3, với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Đồng thời thị trường bất động sản phục hồi nhẹ từ quý IV/2023 tập trung ở khu vực đô thị lân cận khu công nghiệp và khu vực hạ tầng đang đầu tư mạnh.
Năm 2022, theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đến 21/12 vẫn còn cách khá xa so với "room" cho cả năm sau khi đã được NHNN nới thêm 1,5-2% từ mức 14% theo "kịch bản" ban đầu.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, quyết định mở room tín dụng thêm 1,5-2% không phải chỉ do các doanh nghiệp kêu cần vốn mà do nhiều vấn đề như tỷ giá, lạm phát đã ổn định hơn cho phép ngân hàng được nới thêm.
NHNN cũng cho biết cơ cấu tín dụng năm 2022 tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đến 30/11/2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.