Dow rớt 764 điểm, nỗi thất vọng về mức lãi suất vẫn nhức nhối
(DNTO) - Cổ phiếu trên thị trường Mỹ tiếp tục trượt dốc do ảnh hưởng của sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố chính sách tiền tệ ngày hôm trước.
Mức thuyên giảm của cổ phiếu Mỹ càng lún sâu trong ngày thứ Năm (giờ Mỹ), sau khi các quan chức của Ngân hàng Trung ương Mỹ và châu Âu cùng lên tiếng nói họ còn phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Nỗi lo suy thoái kinh tế lại dấy lên.
Các chỉ số chứng khoán tại Mỹ đã tận hưởng vị trí cao hơn hồi đầu tuần, nhưng lao dốc ngày thứ Tư sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố chính sách tiền tệ, tăng lãi suất cho vay lên 0,5%. Mức tăng lãi suất đã được dự đoán trước này không phải là điều làm các nhà đầu tư lo lắng. Nhưng mức tăng đỉnh điểm 5% đến 5,5% mà Fed ấn định, cộng với việc giữ vững mức lãi suất đó đến 2024, đã làm sàn giao dịch chứng khoán Mỹ chao đảo.
Ngay ngày hôm sau, các ngân hàng trung ương ở phía bên kia Đại Tây Dương cũng nối đuôi với mức tăng lãi suất của riêng họ. Ngân hàng Trung ương châu Âu, cũng như Fed, đưa ra hàm ý rằng các nhà đầu tư đừng nên mong đợi mức tăng lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới.
“Đây không phải là thay đổi kế hoạch, cũng không phải là làm chậm lại; chúng ta đang phải tham gia một cuộc chiến (chống lạm phát) kéo dài” - Giám đốc ECB, Christine Lagarde, nhận định.
Tính đến 4g sáng (giờ Việt Nam), 16/12, phiên giao dịch chứng khoán ở Mỹ kết thúc với S&P 500 rớt 2,5%, chạm mức thấp nhất trong hơn một tháng qua. Chỉ số có nhiều công ty công nghệ, Nasdaq Composite, đi xuống 3,2% và Dow Jones Industrial Average lún đến 764 điểm, tương đương 2,25%.
Trong những năm qua, những mức thay đổi lớn như thế thường sẽ gây ngạc nhiên, nhưng trong 2022, các nhà đầu tư đã quen dần với những biến động giật ngược. Trong năm nay, chỉ số Nasdaq đã có 84 lần dịch chuyển hơn 2% trong cả mức tăng lẫn giảm - theo thông số của Dow Jones Market Data. Đây là con số nhiều nhất trong một năm kể từ 2002. Trong 2008, đã có 83 lần Nasdaq Composite tăng giảm ít nhất 2%.
Lo lắng tiếp tục chồng chất từ những dữ liệu mới được tung ra cùng ngày bởi Bộ Thương mại Mỹ. Theo đó, doanh số bán lẻ, bao gồm tại các cửa hàng, trực tuyến và các nhà hàng, đã rớt 0,6% trong tháng Mười một so với tháng trước. Các chỉ số sản xuất tại vùng Philadelphia cũng đã bị thu hẹp lại nhiều hơn so với dự đoán, theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia.
Giám đốc điều hành thuộc Baird, Michael Antonelli, cho biết: “Thị trường chứng khoán không còn lo về chỉ số lạm phát nữa. Nhưng mối lo chính đã chuyển sang hiểm hoạ suy thoái kinh tế đang đến gần, hoặc việc Fed đã đi ‘quá đà’”.
Nỗi lo về suy thoái kinh tế đã đè nặng lên giá cổ phiếu của các nhà băng và hãng cho vay vốn. Trong tháng 12, các công ty tài chính trong S&P 500 đã giảm hơn 6%, khiến ngành tài chính trở thành một trong những ngành tệ nhất trong chỉ số này.
Các nhà giao dịch đang tìm đến các loại tài sản được xem là đầu tư an toàn hơn, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ và đồng đô la. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, kỳ hạn 10 năm, đã giảm 3,449% so với mức 3,503% của ngày thứ Tư. Lãi suất và giá trái phiếu di chuyển ngược.
Trong thị trường năng lượng, chỉ số dầu hoả quốc tế Brent crude giảm 1,8%, đạt mức $81.21/ thùng.
Ở nơi khác, chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu giảm 2,8%, ảnh hưởng của mức tăng lãi suất vừa được công bố. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 1,5%, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,2%. Nikkei của Nhật Bản đi xuống 0,4% trong khi tại Hàn Quốc, Kospi rớt 1,6%.