Chuyện chia cổ tức của các nhà băng và nỗi lòng người trong cuộc
(DNTO) - Mùa đại hội cổ đông năm nay, câu chuyện chia cổ tức của các ngân hàng là vấn đề được các cổ đông đặc biệt quan tâm.
Nhọc nhằn chuyện cổ tức tiền mặt
Dù vẫn biết việc chia cổ tức bằng tiền mặt là điều được nhiều nhà đầu tư mong chờ, tuy nhiên không phải ngân hàng nào cũng có thể thực hiện được.
Tại Ngân hàng VIB, việc chia cổ tức 2022 được thực hiện với tỷ lệ tới 35%, trong đó 20% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ tức bằng tiền mặt. Đây là nhà băng đầu tiên có thông báo chi trả cổ tức tiền mặt trong năm.
Tiếp sau là Ngân hàng TPBank với tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt lên tới 25%, thông tin cũng được công bố từ khá sớm vào cuối tháng 2 năm nay.
Tuy nhiên không phải ngân nào cũng có "điều kiện" tốt như vậy, nên nhà băng phải thực hiện chia cổ tức bằng cả cổ phiếu và tiền mặt. Trong ĐHĐCĐ của Ngân hàng ACB mới diễn ra, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, dự kiến thực hiện chia cổ tức với tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
Hay với Ngân hàng cổ phần thương mại Quân đội (MB), lãnh đạo cũng dự kiến dùng hơn 9 ngàn tỷ đồng để thực hiện mục tiêu chia cổ tức, trong đó hơn 6,8 ngàn tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 15% và hơn 2,2 ngàn tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt, tương đương tỷ lệ 5%.
Dù vậy, số nhà băng có thể chi tiền mặt cho nhà đầu tư vẫn "đếm trên đầu ngón tay".
Với Eximbank, từ 2014 đến nay, năm nay là năm đầu tiên chia cổ tức chỉ dưới hình thức cổ phiếu với tỷ lệ 20% với gần 246 triệu cổ phiếu.
Tại HDBank, HĐQT cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ phân phối là 15%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu phát hành thêm.
Đại hội đồng Cổ đông năm 2023 của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cũng thống nhất chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 với tỷ lệ 10%.
Với Techcombank, hơn 10 năm nay, ngân hàng này nói "không" với chuyện chi cổ tức bằng tiền mặt, năm nay cũng không ngoại lệ dù lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước tính đến ngày 1/1/2022 là hơn 40 ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó với BIDV, với lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ năm 2022 là hơn 12.571 tỷ đồng, tuy nhiên ngân hàng dự kiến dùng 11.634 tỷ đồng để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 23% so với vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022. Ngoài ra, trong kế hoạch năm 2023, BIDV còn có kế hoạch tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lên tới hơn 12%.
Đáng chú ý như Sacombank, ngân hàng sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ với số tiền 12.672 tỷ đồng của năm 2022 và sẽ không thực hiện chia cổ tức. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, trường hợp xử lý xong các vướng mắc trong năm nay, cụ thể là mua lại và bán đấu giá thành công phần cổ phiếu của ông Trầm Bê, ngân hàng tái cơ cấu thành công thì năm 2024 chắc chắn cổ đông sẽ được chia cổ tức.
Nỗi lòng của người trong cuộc
Ở một góc độ nào đó, mỗi ngân hàng đều có vướng mắc riêng khiến việc chia cổ tức của các ngân hàng không được như mong đợi của nhà đầu tư.
Chủ tịch Dương Công Minh của Sacombank giãi bày với các cổ đông: "Bản thân tôi là cổ đông lớn nhất, các thành viên trong HĐQT và ban điều hành cũng là cổ đông và ai cũng muốn chia cổ tức. Chúng tôi xác định năm 2023 phấn đấu là năm cuối cùng giải quyết các tồn đọng này. Khi giải quyết xong vấn đề sẽ được chia cổ tức".
Ông cũng cho biết thêm, bản thân ngân hàng đang rất cố gắng về việc này để không còn phải nhận những lời than phiền về vấn đề cổ tức. Và nếu được chia cổ tức họ cũng muốn chia hết luôn cho cổ đông chứ không phải lo giữ lại làm gì.
Hay Chủ tịch Hồ Hùng Anh của Techcombank cũng chia sẻ với cổ đông rằng, việc chia cổ tức chỉ nên thực hiện khi đáp ứng được các đòi hỏi từ góc độ cải thiện chỉ số đảm bảo hoạt động kinh doanh. Techcombank không chia cổ tức mà tập trung vào nguồn lực cho doanh nghiệp, chuẩn bị cho những hoạt động dài hơi của doanh nghiệp.
"Giá cổ phiếu hiện tại là vấn đề rất đáng quan tâm nhưng tôi quan tâm nhiều hơn giá trị của tổ chức. Nếu bảo rằng tôi đánh giá như thế nào, tôi tin rằng giá trị của TCB có thể tăng gấp 5 gấp 10 bây giờ", ông nêu quan điểm và cho biết thêm, có thể năm nay là năm cuối cùng không chia cổ tức. "Không thể nói trước điều gì nhưng Techcombank cũng đang xem xét các phương án", ông cho biết.
Mỗi ngân hàng đều đang có những câu chuyện khác nhau. Tuy nhiên có một điều khá chắc chắn, ngân hàng chỉ có thể mang tiền mặt đi chia cổ tức khi phải thoả mãn đầy đủ những điều kiện cần thiết, đúng như Chủ tịch Dương Công Minh của Sacombank từng nói: "Ngành ngân hàng là ngành kinh doanh có điều kiện, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Nếu không đạt được các điều kiện sẽ không thể thực hiện chia cổ tức".
Có thể các nhà đầu tư ngắn hạn nóng lòng mong đợi cổ tức tiền mặt, không hào hứng với việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tuy nhiên với nhà đầu tư dài hạn vẫn là câu chuyện "chưa ăn gạo còn đó", kỳ vọng cho những mục tiêu lớn hơn của doanh nghiệp. Và với mỗi doanh nghiệp, họ lại cần hơn những nhà đầu tư có thể đi đường dài cùng họ.