Vì sao chứng khoán phản ứng 'yếu' trước thông tin giảm lãi suất?
(DNTO) - Chỉ số VN-Index đã mất hơn 4 điểm. Thị trường phản ứng không mấy tích cực với thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc hạ lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm nay.
Phiên giao dịch hôm nay, ngày 24/5, thị trường phản ứng khá "yếu" trước thông tin NHNN vừa công bố về việc giảm lãi suất điều hành lần thứ ba trong năm. Chỉ số VN-Index mất hơn 4 điểm, dừng chân tại 1.061 điểm. Lực bán áp đảo phủ rộng cả khối nội và khối ngoại. Thanh khoản khá ổn định như trong tuần với hơn 15 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn.
Nhóm bất động sản nhanh nhạy phản ứng tốt nhất với thông tin lãi suất khi tăng trung bình 0,5%, ghi nhận 6 mã tăng kịch trần như ITA, TDC, NHA... Tiếp đó là nhóm chứng khoán giữ mức tăng trung bình 0,3%, trong đó mã BSI tăng kịch trần với tỷ lệ tăng 6,99%. Đây là hai nhóm dẫn đầu, hỗ trợ tốt cho thị trường trong phiên giao dịch hôm nay.
Ở đợt điều chỉnh giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 vừa công bố của NHNN, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ 6% xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn từ 5,5% xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên mức 3,5%/năm và lãi suất tiền gửi từ một đến 6 tháng ở các tổ chức tín dụng cũng giảm từ 5,5% xuống 5%/năm.
Chứng khoán vốn nhạy cảm đối với các tin tức về lãi suất. Tuy nhiên, phiên giao dịch hôm nay cho thấy, dường như thị trường đang chờ đợi nhiều hơn nữa những hiệu ứng phía sau từ thông tin trên.
"Đây chỉ là thông tin cuối"
Theo phân tích của ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của SSI Research, thực tế thông tin NHNN hạ lãi suất điều hành lần ba được nhà điều hành phát tín hiệu từ trước. Do đó, thời gian qua thị trường đã hấp thụ thông tin. Việc công bố rộng rãi chỉ là động thái cuối cùng bởi tất cả đã nằm trong dự đoán của thị trường. Do đó, thị trường sẽ khó có biến động mạnh.
"Thị trường đã phản ánh trước rồi vì vậy nhà đầu tư đừng kỳ vọng, cứ tin ra thì thị trường sẽ đạt đỉnh ngắn hạn nào đó", ông Hưng chia sẻ tại Chương trình Bí mật đồng tiền, ngày 24/5.
Với quan sát của ông, đa số các mức lãi suất điều hành được điều chỉnh thấp hơn thời kỳ trước Covid-19, ngoại trừ lãi suất OMO. Tuy nhiên nhìn tổng thể mặt bằng chung lãi suất vẫn còn cao hơn trước giai đoạn dịch bệnh từ 100-200 điểm, nếu so với cuối năm ngoái vẫn cao hơn 56 điểm. Và điều này liệu có tác động đến các mức lãi suất cho vay như thế nào mới là điều thị trường mong chờ nhất.
"Dù đây là thông tin tốt nhưng phản ứng chung của thị trường là chờ đợi xem các mức lãi suất cho vay có giảm được tương ứng không, nếu được như giai đoạn trước dịch bệnh là tốt nhất. Nhà đầu tư còn nghe ngóng", ông chia sẻ.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt, nhà đầu tư đã trải qua hai lần trước đó nên sẽ không có nhiều bất ngờ, tuy nhiên về dài hạn, đây là thông tin tốt với thị trường chứng khoán.
Hạ lãi suất điều hành là bước ngoặct thể hiện sự mấu chốt trong tác động dài hạn đến nền kinh tế, giúp làm giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp, tiêu dùng trong nền kinh tế được thúc đẩy, triển vọng doanh nghiệp cũng tốt hơn.
"Nhóm tài chính như chứng khoán, bất động sản… những nhóm ngành thâm dụng vốn của nền kinh tế sẽ được chịu tác động nhưng là sự tác động vừa phải, không như hai đợt trước khi yếu tố bất ngờ giảm bớt. Nhưng điểm khác tại lần thứ ba là thông tin từ hai lần trước lại đang từng bước được ngấm dần vào thị trường", ông Hoàng cho biết.
Theo ông, nhà đầu tư nên nhìn dài hạn trong 6 tháng cuối năm với kỳ vọng nền sản xuất sẽ dần phục hồi, đặc biệt cần xem các chỉ số để theo dõi mức độ phục hồi nền kinh tế đến đâu, từ đó có hướng đầu tư thích hợp.