Cổ phiếu ngân hàng 'gặp khó' trước các thông tin về lãi suất
(DNTO) - Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm chỉ ghi nhận duy nhất ba mã tăng giá là VCB, LPB và BID, còn lại có tới 12 mã giảm giá trong bối cảnh khá nhiều thông tin mới được đưa ra thị trường.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại, với nội dung họp bàn về việc triển khai việc giảm lãi suất cho vay vào sáng nay, ngày 25/5. Cũng trong ngày, quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 của NHNN với nhiều chỉ tiêu được điều chỉnh cũng bắt đầu có hiệu lực.
Tại phiên họp tổ của Quốc hội sáng nay, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong nửa cuối năm mà Chính phủ đưa ra trước đó, xem đây là giải pháp hết sức cần thiết.
Có thể nhận thấy, vấn đề làm thế nào để nhanh chóng trong khơi thông dòng vốn, phục hồi nền kinh tế trong nước được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hiện tại.
Thị trường chứng khoán phản ứng không mấy tích cực với các thông tin mới. Thị trường khá giằng co khiến VN-Index chỉ tăng nhẹ gần 3 điểm sau khi đã giảm 4 điểm vào phiên hôm qua, chốt phiên tại 1.064 điểm. Thanh khoản cũng giảm so với phiên liền trước khi chỉ còn hơn 14 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn, riêng trên HoSE chỉ còn 11,7 ngàn tỷ đồng, thấp nhất trong 5 phiên liên tiếp gần đây.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm trụ thị trường, giao dịch không mấy tích cực. Phiên giao dịch hôm nay chỉ còn 3 mã tăng giá là VCB tăng 0,6%, BID tăng 0,5% và LPB tăng 0,3%. Ở chiều ngược lại, 12 cổ phiếu ngân hàng ghi nhận giảm giá, có thể kể tới như STB giảm 1,4%; VPB giảm 1%; MBB, OCB, SHB đều giảm khoảng 0,8%...
Trong khi đó, nhóm chứng khoán ckhá ảm đạm khi giảm trung bình 0,9% với 18/25 cổ phiếu rơi vào giảm điểm, ví dụ như AGR giảm hơn 2%, VND giảm 1,5%, SSI giảm 0,8%...
Kết quả giao dịch của thị trường đang cho thấy nhà đầu tư vẫn khá thận trọng nghe ngóng. Việc hạ lãi suất điều hành được đánh giá sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế trong bối cảnh GDP quý 1 còn tăng trưởng thấp, nhiều chỉ số chưa được như kỳ vọng. Với ngành ngân hàng, lãi suất giảm đồng nghĩa với việc giúp giảm chi phí huy động vốn, giảm áp lực trích lập dự phòng. Tuy nhiên, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ đứng trước nhiều thách thức.
"Lãi suất cho vay có thể cũng giảm theo. Do đó, NIM các ngân hàng cũng không được hưởng lợi nhiều", chuyên viên phân tích Trần Tánh của Yuanta nhận định.
Nhận định về thị trường hôm nay, ông Đỗ Bảo Ngọc, sáng lập của Fstock.vn cho biết, thị trường phiên giao dịch hôm qua, ngày 24/5, đón nhận thông tin giảm lãi suất không như kỳ vọng nên nhà đầu tư tiếp tục giữ tâm lý thận trọng. Tuy nhiên, quan trọng nhất là thị trường đang thiếu dòng tiền lớn chạy vào.
"Thị trường đang là thiếu nguồn lực, thiếu dòng tiền lớn để tạo ra sự bứt phá. Đây là thời điểm cần thận trọng và chờ đợi các dữ liệu được thông qua trong thời gian tới", ông cho biết.
Vị chuyên gia cũng chỉ ra các khó khăn mà thị trường hiện tại vẫn phải đối mặt như kết quả kinh doanh các doanh nghiệp quý 2 chưa nhiều gam màu tích cực, áp lực đáo hạn trái phiếu mỗi tháng ngày càng lớn, các thông tin lãi suất cũng thường có độ trễ nên hiện tại chứ kịp ngấm...