Cổ phiếu dầu khí: Cảnh giác với tâm lý FOMO
(DNTO) - Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh trước các thông tin tích cực từ dự án Lô B, Ô Môn, kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn đối với ngành dầu khí trong nước.
Hơn tuần giao dịch vừa qua, nhóm cổ phiếu dầu khi bật tăng mạnh mẽ nhờ những thông tin tích cực mới được công bố thêm từ dự án lô B, Ô Môn. Các doanh nghiệp thượng nguồn như PVS tăng gần 12%; PVD tăng gần 7%, PVC tăng gần 6% chỉ sau vài phiên giao dịch, tiếp đó phải kể đến như PVB tăng gần 11%, PSH tăng 10%...
Thông tin từ nhà điều hành dự án, Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC), ký hợp đồng khung cung cấp dịch vụ hỗ trợ quản lý dự án với nhiều nhà cung cấp dịch vụ, trong đó có Liên danh PSL Orion, Công ty cổ phần Dịch vụ Logistics Dầu khí Việt Nam... , một bước tiến quan trọng đảm bảo chuỗi dự án hoạt động đúng tiến độ.
Trong khi đó, Luật Dầu khí 2022 sắp có hiệu lực (1/7/2023) cũng được cho sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp dầu khí.
Tính đến ngày 24/5, giá dầu WTI hiện đang đạt 73,87 USD/thùng, tăng 1,32% so với phiên trước, do ảnh hưởng từ nhu cầu xăng dầu của Mỹ khi nước này chuẩn bị bước vào mùa du lịch cao điểm. Ngoài ra, tổ chức OPEC+ cắt giảm sản lượng, đi kèm với kế hoạch mua hàng bổ sung cho Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của Mỹ đang đặt ra vấn đề về sự mất cân bằng cán cân cung-cầu dầu trong thời gian tới.
Những yếu tố trên đã khiến nhóm dầu khí phản ứng tích cực. Việc nhà đầu tư tránh tâm lý FOMO mua đuổi chạy theo nhóm cổ phiếu này là điều cần thiết.
Triển vọng nào với nhóm cổ phiếu dầu khí?
Với các hợp đồng đã ký kết, nhiều chuyên gia nhận định chuỗi dự án Lô B, Ô Môn sẽ mang lại khối lượng công việc khổng lồ cho các doanh nghiệp dầu khí, đặc biệt là các doanh nghiệp thượng nguồn như PVD, PVS..., triển vọng của các doanh nghiệp trong dài hạn được nhìn nhận tương đối tích cực.
Nhìn lại quá khứ, có thể thấy câu chuyện của Lô B, Ô Môn đã đình trệ thời gian dài và nằm trong sự quan tâm của nhiều người khi đây là dự án mang tính trọng điểm của quốc gia.. Vì vậy bất cứ thông tin nào mới nào liên quan đến dự án cũng có thể khiến giá cổ phiếu dầu khí bị tác động.
Mặt khác, giá dầu thế giới luôn chịu nhiều yếu tố tác động khác nhau, trong đó phải nhắc đến các biến số địa chính trị có thể bất ngờ trong thời gian ngắn, do đó để đoán định giá dầu không phải là điều đơn giản.
Theo chuyên viên phân tích Hoàng Phùng từ Công ty Chứng khoán KIS, trong báo cáo mới công bố, ông cho biết khả năng giá dầu sẽ phải hạ nhiệt trong năm sau khi đã tăng mạnh năm 2021 và 2022, tuy nhiên mức giá sẽ duy trì trên 70 đô la/thùng, mức có thể thúc đẩy các dự án thượng nguồn trên toàn cầu.
Giá thuê giàn khoan jack-up được dự đoán cũng duy trì ở mức cao trong giai đoạn hai năm tới sau. Đồng thời, giá LNG cũng đã giảm hơn 80% so với mức đỉnh năm 2022 và kỳ vọng tiếp tục giảm trong các năm tới. Đây là những nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng các doanh nghiệp dầu khí.
"Chúng tôi khuyến nghị tăng tỉ trọng (nhóm dầu khí) do: Ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái hơn so với các ngành khác; tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2023-2025 của các công ty thượng nguồn và triển vọng dài hạn vững chắc nhờ các dự án tiềm năng", chuyên gia của KIS khuyến nghị.
Hai cổ phiếu được KIS đề xuất bao gồm: "PVD với tăng trưởng lợi nhuận cao trong 3 năm tới và GAS đứng đầu ngành với bảng cân đối kế toán lành mạnh và ROE cao".
Ở một góc nhìn khác, theo ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc khối Phát triển khách hàng tổ chức của CTCP Chứng khoán SSI, thông tin từ Lô B, Ô Môn không phải tin tốt trong ngắn hạn mà cần tính trong dài hạn.
"Hiện tại giá cổ phiếu dầu khí tăng là dễ hiểu. Nhà đầu tư đừng làm quá lên, tránh trường hợp thấy thị trường hưng phấn quá đà mà nhảy theo đu vào thì có thể phải gánh lỗ", ông nhấn mạnh.