Cổ phiếu của Vingroup sẽ trở lại giá trị thật?
(DNTO) - Theo Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, giá cổ phiếu VIC của Vingroup hiện đang thấp hơn nhiều so với giá trị thật. Tuy nhiên, ông tin tưởng cùng thời gian, cổ phiếu này sẽ trở lại đúng giá trị vốn có.
Kết phiên giao dịch hôm nay, ngày 17/5, cũng là ngày Vingroup tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, VIC tăng 0,57%, chốt tại 53.200 đồng/cp và với hơn 2 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Mức tăng này có thể còn khá khiêm tốn, tuy nhiên lại hết sức giá trị trong bối cảnh VN-INdex mất hơn 5 điểm chỉ còn 1.60 điểm, cổ phiếu VIC cùng VHM trở thành hai mã đóng góp nhiều nhất trong việc giữ gìn chỉ số.
Nhìn lại lịch sử, VIC từng đạt đỉnh cao với thị giá trên 120 ngàn đồng mỗi đơn vị. Tuy nhiên, hai năm vừa qua, theo đà giảm chung của thị trường, thị giá của VIC cũng đi xuống và hiện đã giảm hơn một nửa.
Trong tuần qua, trước thông tin tích cực từ việc VinFast chuẩn bị trên sàn chứng khoán Mỹ, VIC cũng đã kịp tăng nhẹ hơn 5% nhưng vẫn chưa đủ sức vượt quá 55 ngàn đồng mỗi mã.
Nói về giá cổ phiếu VIC, tại ĐHĐCĐ năm nay, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã khá tự tin khi khẳng định, giá trị của VIC hiện nay rất thấp so với cả giá trị thật của cổ phiếu thật.
"Trong bối cảnh thị trường như thế, nếu hỏi VinFast là như thế nào thì tôi phải nói như ông Đặng Tiểu Bình xưa là giấu mình chờ thời. Bản chất bây giờ, nếu cổ đông trung thành thì chẳng mất gì, chỉ mất khi bán, còn nhà đầu tư chưa bán thì đâu có mất", ông Phạm Nhật Vượng cho biết.
Theo ông lý giải, hiện tại tất cả nguồn lực, hệ sinh thái của Vingroup đều dồn vào để thúc đẩy công ty mang lại giá trị và tin vậy, ông cũng khẳng định: "Tôi tin tưởng rằng cùng với thời gian cổ phiếu VIC sẽ trở lại".
Vingroup cũng đã cho thấy một kế hoạch đầy tham vọng của tập đoàn này với việc đặt ra chỉ tiêu doanh thu tăng trưởng mạnh so với năm ngoái. Cụ thể, tập đoàn đặt ra chỉ tiêu doanh thu thuần lên tới 190 ngàn tỷ đồng, con số tăng mạnh 87% so với năm ngoái. Nếu kế hoạch này thành hiện thực thì đây sẽ là mốc doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn.
Cùng đó, kế hoạch lợi nhuận sau thuế được đặt ra là 2.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kết quả đạt được trong năm ngoái.
Về kế hoạch huy động vốn, ban lãnh đạo đưa ra phương án phát hành tối đa 5.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (tức có thể chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu), có thể thành một hoặc nhiều đợt chào bán. Vingroup đã đưa ra định hướng phát triển cụ thể tuỳ theo từng lĩnh vực khác nhau.
Quý 1 vừa qua, tập đoàn đã công bố kết quả kinh doanh khá tích cực với tổng doanh thu đạt gần 39 ngàn tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 4,2 ngàn tỷ đồng tỷ đồng, tăng 121%; lợi nhuận sau thuế đạt 589 tỷ đồng, tăng 15%. Các hoạt động kinh doanh ghi nhận kết quả tốt, trong đó riêng doanh thu chuyển nhượng bất động sản đóng góp 74% vào tổng doanh thu và tăng 3,3 lần so với cùng kỳ.