Chờ chính sách mới 'ngấm' vào thị trường trái phiếu
(DNTO) - Dù đã có nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường trái phiếu, tuy nhiên theo các chuyên gia, khó khăn và thách thức vẫn không hề nhỏ.
Tổng kết tháng 4/2023, dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chỉ có đợt phát hành riêng lẻ và một đợt phát hành ra công chúng có tổng giá trị 2,6 ngàn tỷ đồng, khối lượng bằng 10% tổng khối lượng phát hành của tháng 3.
Trong đó, lô trái phiếu riêng lẻ duy nhất trị giá 671 tỷ đồng thuộc ngành bất động sản, lãi suất khá hấp dẫn với tỷ lệ 14%/ năm, mức cao nhất tính từ đầu năm 2023 đến nay, theo FiinRatings. Đơn vị này cũng cho biết, giá trị trái phiếu mua lại trước ngày đáo hạn giảm hơn 41% so với tháng 3, chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng.
Hoạt động mua lại trong tháng chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng. Các tổ chức tín dụng đã mua lại lượng trái phiếu có giá trị tăng hơn 5 lần so với tháng 3 và tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó những cái tên phải kể đến như VIB, VPB, BIDV, Sacombank...
Đáng chú ý, có tới 98 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ TPDN tính đến 4/5, tổng giá trị hơn 128 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 13% so với lần cập nhật gần nhất của đơn vị này.
Tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN (Thông tư số 03), ngưng hiệu lực khoản 11 điều 4 của Thông tư số 16 ngày 10/11/ 2021, quy định về việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng. Thông tư có hiệu lực từ ngày ngày 24/4/2023. Trước đó, sự ra đời Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã đặt ra nhiều kỳ vọng nhiều thị trường.
Như vậy, dù đã có sự hỗ trợ của các chính sách mới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa kịp "ngấm", thách thức khó khăn vẫn nhìn thấy rõ khi các hoạt động trên thị trường vẫn khá trầm lắng, hạ nhiệt rõ rệt.
Chờ chính sách "ngấm" vào thị trường
Câu chuyện về trái phiếu doanh nghiệp sẽ là câu chuyện dài, không thể một sớm một chiều. Đáng nói, Thông tư 03 chỉ kéo dài đến hết năm, trong khi lượng trái phiếu đáo hạn ngày càng dồn nhiều, thách thức càng lớn với thị trường.
Trong khi các chức tín dụng tập trung giải quyết những lô trái phiếu đã/đang đáo hạn trướcmắt nhằm giải tỏa áp lực nợ thi Thông tư 03 chưa đủ sức để đẩy thị trường phát triển.
"Đây chỉ là giải pháp tạm thời ít tạo ra thanh khoản thực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp", FiinRatings cho biết.
Ngoài ra, việc ngân hàng mua lại trái phiếu, hay nói cách khác, trái phiếu quay lại sở hữu bởi ngân hàng điều này đã "Vô tình tạo tiền lệ xấu cho thị trường TPDN khi ngân hàng đứng ra thanh toán thay cho doanh nghiệp". Và theo FiinRatings, điều này mang bản chất hoạt động tín dụng thay vì hoạt động trái phiếu của thị trường vốn. Và trước mắt, điều này có thể làm gia tăng rủi ro ngắn hạn đối với hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, quy định về doanh nghiệp phát hành phải được xếp hạng ở mức cao nhất còn chưa cụ thể dễ dẫn đến áp dụng sai, có thể hiểu là mức điểm cao nhất trong hệ thống tín dụng nội bộ quy định tại Thông tư 11/2021/TTNHNN, nhưng cũng có thể hiểu là mức điểm cao nhất trong nhóm TPDN chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán...
Trong khi đó, nhiều chuyên gia đặt ra các vấn đề về như giải pháp quyết liệt từ doanh nghiệp: nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm... cải thiện dòng tiền; cần có cơ chế đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý của dự án bất động sản, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn...
"Tỷ lệ nợ xấu trái phiếu sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới trước khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và trước khi môi trường kinh doanh được dần cải thiện rõ rệt", FiinRatings nhận định.