'Ngấm' chính sách, các kênh vốn cho thị trường bất động sản dần chuyển động trở lại
(DNTO) - Các kênh dẫn vốn thời gian qua được "nới lỏng" phần nào đã thúc đẩy dòng tiền trở lại tích cực hơn trên thị trường bất động sản. Đây cũng là thời điểm thị trường sẵn sàng bước vào chu trình “rã đông”, khi những lực đỡ từ chính sách liên tục phát huy hiệu quả, đẩy nhanh tiến trình xoay chiều cho thị trường.
Tín dụng, trái phiếu... rục rịch chảy
Khác với tâm trạng “hoang mang”, “thấp thỏm” với bầu không khí trầm lắng cuối năm 2022, trong 3 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản đang có những tín hiệu tốt để “phá băng” nhờ hàng loạt động thái hỗ trợ từ Chính phủ được ban hành.
Dù vẫn còn "dè dặt", nhưng trong các số liệu báo cáo cho quý đầu tiên năm nay của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, hay Bộ Kế hoạch đầu tư cho thấy các kênh dẫn vốn cho thị trường bất động sản bắt đầu “tương tác” trở lại với thị trường nhà đất.
Đơn cử, số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong tháng 3/2023, có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị phát hành đạt 26.425 tỷ đồng, cao gấp 13,2 lần so với tháng 2/2023.
Đặc biệt, thị trường đang rất "nóng" về câu chuyện cho phép ngân hàng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp tại cuộc họp với Thủ tướng vào chiều 22/4, giữa lúc các doanh nghiệp bất động sản còn rất khó khăn về thanh khoản, điều này giúp thị trường sẽ lấy lại thăng bằng nhanh hơn sau gần nửa năm "chao đảo".
Cùng với trái phiếu, ước tính vốn tín dụng vào bất động sản 3 tháng đầu năm 2023 khoảng trên 100.000 tỉ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2022. Đặc biệt, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với nhà ở xã hội đã chính thức triển khai với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với mức cho vay thông thường, dự kiến giúp tín dụng bất động sản chảy mạnh hơn trong thời gian tới.
Một nguồn vốn khác đang được doanh nghiệp bất động sản tận dụng là kênh mua bán, sáp nhập (M&A). Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm, lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai khi thu hút gần 766 triệu USD. Trong bối cảnh hiện nay, M&A đang là lựa chọn khả dĩ nhất trong các kênh.
Đánh giá về cơ hội sắp tới của thị trường, bà Hồ Thị Kiều Trang, Trưởng phòng Cao cấp Nghiên cứu Ngành Bất động sản HSC, cho biết, đầu tư công được đẩy mạnh sẽ là động lực quan trọng cho sự phục hồi bất động sản, giúp tăng giá trị sản phẩm. Với tổng ngân sách hơn 700.000 tỷ đồng chảy vào, thị trường bất động sản sẽ gián tiếp được hỗ trợ về thanh khoản.
Chờ đợi cú "xoay chiều" từ quý 4
Từ những cơ hội trên, cả người mua, nhà đầu tư, sàn giao dịch lẫn chủ đầu tư lúc này đang sẵn sàng đón một "cuộc đua" mới khi ghi nhận nhiều dự án giao dịch đã bắt đầu tăng trở lại.
Thông tin từ một Hội thảo bất động sản mới đây, ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), cho hay, một công ty thành viên của Dat Xanh Services đã chốt giao dịch thành công hơn 100 sản phẩm chỉ trong 10 ngày cuối cùng tháng 3 đã cho thấy tín hiệu lạc quan của thị trường. Tuy chưa nhiều nhưng số lượng giao địch tăng nhanh hơn mỗi ngày đã phần nào khởi sắc cho thanh khoản thị trường sau thời gian dài nằm đáy...
Song, các chuyên gia nhận định, tín hiệu tích cực về thanh khoản chỉ giải quyết phần nào về vấn đề tâm lý, bởi để nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn rẻ ngay trong quý tới là điều không dễ. Xu hướng lãi suất giảm đang tác động tích cực tới thị trường bất động sản, song mức giảm chưa như kỳ vọng.
“Chỉ khi nào mặt bằng lãi suất cho vay trung bình giảm xuống dưới 10% thì khi đó thị trường bất động sản mới "ngấm" rõ hơn. Bởi 10% là con số mà các nhà đầu tư có khả năng chịu đựng được khi đi vay. Đến cuối quý 4 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn....Đây cũng sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không”, các chuyên gia nhận định.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng rất mong chờ Ngân hàng Nhà nước "bung" dần thêm các cánh cửa để bơm vốn vào bất động sản, như "nắn" hệ số rủi ro với các phân khúc bất động sản khác nhau, cùng với đó là sửa đổi quy định cho phép ngân hàng thương mại đầu tư nhiều hơn vào trái phiếu doanh nghiệp.
Đặc biệt, các chuyên gia cũng cho rằng, cần có quỹ riêng để phát triển nhà ở xã hội để huy động nguồn vốn xã hội nhiều hơn vào lĩnh vực này. Hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước đã được triển khai, song lãi suất vẫn còn cao đối với người thu nhập thấp.