Thủ tướng yêu cầu 'đột phá' chính sách để hạ lãi suất, vực dậy thị trường trái phiếu và bất động sản
(DNTO) - Trước các vấn đề "nóng" về thị trường vốn, trái phiếu, bất động sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao đề bài cho các bộ, ngành "nghiên cứu các chính sách mới, đột phá để các thị trường có thêm nguồn lực, động lực phát triển cả phía cung - cầu".
Ngày 25/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại Nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, trái phiếu doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành và sử dụng hết các công cụ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ, trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".
Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, sử dụng hết các công cụ đã có để tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, tổ chức thực hiện, về kiểm tra, giám sát, trên cơ sở hết sức cụ thể.
"Phải đánh giá, phân tích chi tiết và đưa ra giải pháp rất cụ thể, tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân, góp phần thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng, đó là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu", Thủ tướng yêu cầu.
Đối với ngành ngân hàng, Thủ tướng nhấn mạnh phải thực hiện chính sách tiền tệ phải kịp thời, chủ động, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả, ổn định hệ thống… Đồng thời nhấn mạnh, 5 ngân hàng thương mại nhà nước chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng hoạt động tín dụng của nền kinh tế, theo đó cần tham gia dẫn dắt, điều tiết thị trường, tạo động lực cho toàn hệ thống, hỗ trợ nền kinh tế phát triển; đồng thời tiết giảm chi phí đầu vào bằng các biện pháp như đổi mới công nghệ, công tác quản trị, quản lý, tăng cường chuyển đổi số… để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phải phối hợp với các ngân hàng phải đưa ra các công cụ, gói tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng thanh toán cho các trái chủ theo đúng quy định của pháp luật; có phương án sửa đổi Nghị định 65 phù hợp Nghị định 08 của Chính phủ; kịp thời phối hợp Ngân hàng Nhà nước có phương án tăng vốn chủ sở hữu cho ngân hàng thương mại nhà nước.
Đối với thị trường bất động sản, ngoài tháo gỡ về pháp lý thì cần hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để hoàn thành các công trình, dự án, đưa các sản phẩm vào thị trường. Cùng với đó là giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, làm tốt công tác quy hoạch.
Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất; Bộ Tài nguyên và Môi trường phải xác định giá đất nhanh chóng trên tinh thần nhanh chóng, đơn giản hoá các thủ tục hành chính; doanh nghiệp phải tái cơ cấu các phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân. Nhiệm vụ nữa là triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh trục lợi, tiêu cực.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính sớm hoàn thành hồ sơ trình phương án giảm thuế 2%, các loại thuế, phí khác; phương án giãn, hoãn thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp, trình các cấp có thẩm quyền xem xét; khẩn trương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị định 08 và Nghị quyết 33 của Chính phủ; chủ trì cùng Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn; khẩn trương hoàn thiện, đánh giá tác động và đề xuất phương án để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công;
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác chủ động, linh hoạt, kịp thời hơn nữa; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm những thủ tục không cần thiết để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay.