Chờ đợi gì từ VIC sau chuyện VinFast đợi niêm yết ở Mỹ?
(DNTO) - Cổ phiếu VIC của Vingroup ghi nhận một phiên tăng điểm mạnh, tiếp tục thể hiện vai trò trụ cột hỗ trợ thị trường.
Cổ phiếu VIC tăng 5,2% chạm mốc 54.400 đồng/cp trong phiên giao dịch hôm nay. Đây là phiên tăng điểm thứ 2 của mã này sau thời gian dài giao dịch có phần trầm lắng. Trước đó, trong tháng 4 thị giá VIC đã mất hơn 5,2% giá trị; từ đầu tháng 5 đến phiên giao dịch ngày 11/5, mất hơn 3%, tuy nhiên chỉ sau 2 phiên giao dịch ngày 12 và 15/5, cổ phiếu này đã lấy lại hơn 7% giá trị.
Vốn là một cổ phiếu vốn hoá lớn, VIC đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ thị trường phiên giao dịch hôm nay, tác động mạnh nhất đến VN-Index giúp chỉ số này chỉ giảm nhẹ 1,1 điểm trong phiên trong bối cảnh khối ngoại đẩy mạnh bán ròng khá mạnh với giá trị bán ròng đạt trên 376 tỷ đồng trên HoSE.
Hiệu ứng tích cực đến với VIC nhờ sự hỗ trợ từ thông tin VinFast sẽ tiếp tục kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ thông qua thỏa thuận sáp nhập doanh nghiệp VinFast Auto Pte. Ltd. và Black Spade Acquisition Co. (Black Spade - mã chứng khoán trên sàn NYSE: BSAQ).
Thông báo từ VinFast cho biết, sau sáp nhập, công ty hợp nhất sẽ có giá trị khoảng 27 tỷ đô la, vốn chủ sở hữu đạt con số 23 tỷ đô la trong đó chưa bao gồm số tiền sẽ quy đổi từ 169 triệu đô la tiền mặt tín thác.
"Giao dịch dự kiến sẽ kết thúc trong năm 2023 sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý và cổ đông, cũng như các điều kiện hoàn tất khác theo thông lệ. Sau giao dịch, các cổ đông hiện hữu của VinFast sẽ sở hữu 99% trong công ty sau sáp nhập", VinFast cho biết.
Chờ đợi gì từ VIC?
Việc VinFast bắt tay cùng Black Spade được xem là dấu mốc quan trọng của doanh nghiệp này, trong hành trình tiến tới niêm yết cổ phiếu của hãng xe điện Việt trên sàn chứng khoán Mỹ. Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nhà sáng lập FIDT, chia sẻ với nhà đầu tư sáng 15/5, động thái trên mang nhiều ý nghĩa.
Trước hết, thị trường chứng khoán Mỹ là thị trường khá hấp dẫn với các doanh nghiệp Việt. Ở Việt Nam, khi các doanh nghiệp muốn niêm yết phải có các ràng buộc như lãi 2 năm liên tiếp, ROE năm liền trước năm đăng ký niêm yết tối thiểu là 5%. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước sẽ khó đáp ứng những yêu cầu trên. "Do đó thị trường Mỹ có những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập", ông Tuấn cho biết.
Ngoài ra, về câu chuyện định giá sau sáp nhập của Vinfast, theo ông Tuấn, thực ra sẽ được được định giá thực sự là sau niêm yết và phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu cung - cầu thị trường. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng "nếu giả sử VinFast có câu chuyện định giá 27 tỷ đô la thì chắc chắc vốn hoá VIC sẽ phình lên rất lớn và điều này sẽ tạo nên sự tái định giá của VIC", ông Tuấn chia sẻ.
Với hình thức "niêm yết cửa sau" của VinFast, theo góc nhìn của chuyên gia Mirae Asset, cũng có thể là câu chuyện "chẳng đặng đừng" để doanh nghiệp này không bị lỡ hẹn với thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2023, khi tính ra chỉ còn hai quý nữa là kết thúc năm.
Có thể nói, hoạt động sáp nhập trên của VinFast đã mở ra cơ hội huy động vốn, tạo đà cho quá trình phát triển toàn cầu hóa của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một cổ phiếu muốn tăng trưởng bền vững thì điều quan trọng là doanh nghiệp phải tạo ra được dòng tiền bền vững. Và điều này có lẽ chúng ta cần thêm thời gian chờ đợi từ VinFast.