VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng 'đỡ' thị trường, sau thông tin rục rịch lên sàn tại Mỹ
(DNTO) - Việc VinFast dự kiến niêm yết cổ phiếu phổ thông trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã VFS đã khiến cổ phiếu VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có một phiên tăng hết biên độ, hỗ trợ cản đà giảm sâu của VN-Index trong bối cảnh thị trường không mấy tích cực.
Mã VIC của Tập đoàn Vingroup ghi nhận một phiên giao dịch có khối lượng giao dịch tăng kỷ lục trong nhiều tháng qua, với hơn 9,4 triệu cổ phiếu được trao tay, tương ứng với giá trị giao dịch hơn 660 tỷ đồng. Kết phiên, mã cổ phiếu này tăng kịch trần 6,9%, giữ mức giá 71.200 đồng/cp, đưa giá trị vốn hóa toàn thị trường của doanh nghiệp tăng hơn 17 ngàn tỷ đồng so với phiên liền trước.
VIC đã đóng một vai trò quan trọng hỗ trợ thị trường, hạn chế đà giảm của VN-Index trong một phiên giao dịch nhiều giằng co và biến động, với 500 mã giảm sàn, 780 đứng giá và có tới hơn 100 giảm kịch sàn.
Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup đang hồi phục tích cực theo mô hình chữ V, vùng đáy là thời điểm phiên giao dịch ngày 10/11 với mức giá chỉ 53.000 đồng/cp. Chỉ sau chưa đầy một tháng, VIC đã nhanh chóng phục hồi tới 33% giá trị và tính riêng từ đầu tháng 9 đến nay, VIC cũng hồi phục tới 13%.
Thành quả của VIC hôm nay được đến từ thông tin tích cực mà tập đoàn này vừa công bố. Đó là việc công ty VinFast Trading & Investment Pte. Ltd., một công ty con của Tập đoàn Vingroup có trụ sở chính tại Singapore (VinFast Singapore), công bố đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng (IPO). Công ty dự kiến niêm yết cổ phiếu phổ thông trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã VFS.
Trả lời báo chí, bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ, một khi VinFast đã thành công niêm yết, công ty có thể tiếp tục huy động vốn từ thị trường chứng khoán quốc tế trong tương lai, đồng thời điều này cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô trên thị trường quốc tế.
Trở lại với phiên giao dịch hôm nay, dòng tiền bất ngờ rút mạnh trên thị trường chỉ còn hơn 16 ngàn tỷ đồng, giảm mạnh so với phiên liền trước với hơn 26 ngàn tỷ đồng. Khối lượng giao dịch cũng giảm sâu, trong đó, chiều bán khá mạnh áp đảo thị trường, đặc biệt trong phiên chiều. Giao dịch của khối ngoại cũng giảm mạnh ở cả chiều mua và chiều bán so với phiên hôm qua.
Nhờ hỗ trợ đắc lựu của VIC, cổ phiếu duy nhất tăng kịch trần trong nhóm, bất động sản trở thành nhóm tăng mạnh nhất trong phiên, với mức tăng trung bình 1,1% bất chấp thực tế có tới 40 mã giảm giá và 25 mã giảm sàn.
Theo phân tích từ phía Chứng khoán SHS, sau một giai đoạn bùng nổ, chỉ số VN-INdex đã xác nhận thoát được trạng thái Downtrend trung hạn. Tuy nhiên, ở giai đoạn hồi phục đầu tiên thị trường luôn tích cực nhất nhưng cũng là giai đoạn phải đối diện với các đợt điều chỉnh mạnh mẽ.
"Chúng tôi vẫn liên tục nhận định thị trường tích cực hồi phục nhưng chưa xác nhận uptrend và cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng trong giao dịch", SHS nhận định.
Trước mắt, thị trường cần tích lũy lại và tìm khu vực cân bằng. Theo các chuyên gia, thị trường điều chỉnh sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào với kỳ vọng Vn-Index hướng tới vùng 1.150 điểm. Còn với đầu tư trung, dài hạn, nhà đầu tư nên gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu, lựa chọn các cổ phiếu có nền tảng cơ bản, đà tăng trưởng tốt nhưng bị bán quá đà trong giai đoạn sụt giảm vừa qua.