Chứng khoán giảm sâu hơn 44 điểm, cổ phiếu 'trùm' xuất khẩu cá tra lại ngược dòng
(DNTO) - Áp lực chốt lời mạnh mẽ khiến một loạt cổ phiếu bluechip lao dốc. Đáng chú ý, dòng tiền đã chọn lọc hơn khi rời xa nhiều cổ phiếu mang tính đầu cơ để chạy về với nhóm ngành sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt là nhóm ngành thủy sản với sự tăng mạnh của VHC.
Nhóm ngành thủy sản bất ngờ lên ngôi trong phiên giao dịch hôm nay, 6/12, khi tăng trung bình hơn 6%, trong khi đa số các nhóm ngành còn lại đều rơi vào tình cảnh giảm điểm. Cả nhóm có bốn mã tăng hết biên độ là VHC, ANV, IDI và ACI, bốn mã tăng điểm và chỉ 1 mã giảm giá.
Mã VHC của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp đứng đầu thị phần xuất khẩu cá tra trong nước, trở thành mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số VN-INdex, góp phần hạn chế đà giảm của chỉ số này, bên cạnh DCM và HAG. Phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu của doanh nghiệp cá tra ghi nhận hơn 1,7 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, con số cao nhất một quý vừa qua, đưa VHC tăng kịch trần 6,9% và kết phiên chiều dư bán hoàn toàn trắng bảng.
Tính trung bình 5 phiên giao dịch vừa qua, VHC tăng hơn 11% giá trị và hiện có mức 72.200 đồng/cp, dẫn đầu nhóm thủy sản. Thời gian qua, mặc dù thị trường chứng khoán đã trải qua giai đoạn giảm giá sâu nhưng VHC vẫn "giữ giá" khá tốt khi chỉ giảm 1,1% từ đầu tháng 11 đến nay và tính từ đầu tháng 9 đến nay cũng chỉ giảm 18%.
Đà tăng tích cực của nhóm thủy sản hôm nay được cho là đến từ nhiều thông tin tích cực trong những ngày qua. Cụ thể, trong 11 tháng, ngành xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng hơn 49 tỷ đô la Mỹ, tăng 11%, vượt xa cả con số kỷ lục 48 tỷ đô la Mỹ đã đạt được trong năm 2021.
Cùng đó, Trung Quốc, một thị trường nhập khẩu lớn của nước ta, đang nới lỏng dần các biện pháp chống dịch, dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa sau thời gian dài theo đuổi chính sách Zero Covid. Nhu cầu bị dồn nén trong hai năm dịch của nước này có thể được xem là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đà tăng trưởng của nhóm ngành này.
Một thông tin không kém phần quan trọng là Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 - 2%, tương đương gần 200.000 tỉ đồng được dẫn vào nền kinh tế. Nguồn vốn này sẽ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... Đây là tin vui cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang dành nhiều kỳ vọng cho các doanh nghiệp thủy sản.
Trở lại với thị trường chứng khoán trong nước, trong khi nhóm ngành thủy sản khởi sắc thì thị trường chung lại tương đối ảm đạm. Sau giai đoạn hồi phục mạnh mẽ hình chữ V, với các mã tăng điểm ồ ạt và lực mua FOMO lớn, thị trường đứng trước áp lực chốt lời sau khi nhiều người bắt đáy thành công và điều này là hoàn toàn bình thường.
Các mã bluechip đã tăng mạnh trước đó đối mặt với lực bán mạnh khiến nhiều mã giảm sâu như VCB giảm 5,8%, VHM giảm 5,6%, BID giảm 5,2%... Nhóm VN30 giảm kỷ lục tới 5,1%, trong khi đó nhóm MidCap chỉ mất 2,5% và SmallCap mất 2,1%.
Đóng cửa, VN-Index bước vào điều chỉnh, giảm hơn 44 điểm, về 1.048 điểm; HNX-Index giảm 7 điểm, xuống 212 điểm và UPCoM-Index giảm 2 điểm, còn 71 điểm. Thị trường ghi nhận giá trị thanh khoản vượt bậc gần 27 ngàn tỷ đồng.
Sau phiên giảm sâu hôm nay, khi cầu chốt lời đã giải tỏa phần nào, nhiều chuyên gia nhận định dòng tiền trên thị trường sẽ đi theo hướng chọn lọc hơn và sẽ không còn tâm lý FOMO vội vã do nhiều nhà đầu tư bị bỏ lỡ cơ hội khi thị trường xuống đáy. Các phiên rung lắc như hôm nay lại là cơ hội tốt để nhà đầu tư cơ cấu danh mục, chuẩn bị cho giai đoạn mới của thị trường.