'Sếu đầu đàn' đưa hàng Việt cất cánh
(DNTO) - Xương sống của nền kinh tế ngày càng vững chắc nhờ có những doanh nghiệp logistics nội địa lớn dần. Một trong số đó là “sếu đầu đàn” Dolphin Sea Air Services Corp.
Phóng viên: Việc cạnh tranh với các đối thủ ngoại như Kuehne + Nagel, DHL, DB Schenker… trong gần 15 năm qua của Dolphin Sea Air Services Corp chắc chắn không dễ?
Ông Trần Đăng Nam, Chủ tịch, CEO Dolphin Sea Air Services Corp:
Đúng là như vậy! Năm 2008, khi chúng tôi vừa thành lập, sự “xâm chiếm” của những thương hiệu nước ngoài trong ngành logistics rất khủng khiếp. Bản thân tôi lúc đó cũng phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, trực tiếp thuyết phục, thậm chí năn nỉ đối tác/khách hàng cho Dolphin Sea Air một cơ hội.
Chúng tôi cứ tiến từng bước nhỏ, không chỉ duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp, mà còn vì lòng yêu nước. Rõ ràng đội ngũ nhân sự Việt đã được đào tạo bài bản, nổi tiếng thông minh, linh hoạt, tại sao khách hàng lại chọn thương hiệu nước ngoài? Điều đó có nghĩa là mình chưa đủ cố gắng.
15 năm của một đời người không phải quá dài, nhưng với một doanh nghiệp là rất nhiều lần “chìm nổi”. Dolphin Sea Air từ một văn phòng nhỏ cỡ 10 người thành hệ thống toàn quốc gần 300 nhân sự nhờ kiên trì mục tiêu như vậy.
* Các doanh nghiệp dịch vụ logistics thường hơn nhau ở chỗ “tìm ra các điểm và biết cách kết nối các điểm” để tối ưu chi phí. Dolphin Sea Air giải quyết bài toán này ra sao?
Ngay từ khi thành lập, Dolphin Sea Air Services Corp đã đặt việc tạo ra và mở rộng mạng lưới đối tác toàn cầu là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
Chúng tôi làm việc này bằng hai cách:
Một là, tận dụng các doanh nghiệp liên doanh, liên kết có văn phòng đặt tại nước ngoài trong tập đoàn logistics mà tôi và các nhà sáng lập khác đã gây dựng.
Hai là, phát triển hệ thống đối tác nước ngoài, mà chúng tôi gọi là “agent”, tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Điểm mấu chốt là “tìm và tạo hub” thật nhanh và chính xác. Muốn nhanh chóng, muốn hiệu quả thì chúng ta cần phải xác định được những điểm kết nối quan trọng – các “hub” theo đúng nhu cầu của thị trường. Lấy ví dụ, năm 2021, lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến, mà mình lại đi “tạo hub” tại Nga chẳng hạn, thì sẽ mất cơ hội rất nhiều. Việc này đòi hỏi kinh nghiệm, độ nhạy bén, và sự tỉ mỉ trong việc nghiên cứu thị trường. Đôi khi còn cả may mắn nữa!
* Còn quá trình làm việc với các đối tác vận tải quốc tế thì sao?
Đó là một câu chuyện không chỉ dài mà còn rất gian truân. Những năm trước đại dịch Covid-19, số giờ bay của tôi chắc chắn nhiều hơn số giờ bên gia đình. Tôi liên tục ở nước ngoài để kết nối với các đối tác quốc tế, và tạo ra hệ sinh thái mang tính đa quốc gia như bây giờ.
Hiện tại, khi khách hàng hỏi bất kỳ tuyến vận tải nào, chúng tôi đều có thể kết nối và đáp ứng, đó là điều không phải doanh nghiệp vận tải xuất nhập khẩu nào cũng làm được nếu chỉ có các văn phòng đại diện ở Việt Nam.
Hầu hết tập đoàn nước ngoài, với tiềm lực tài chính mạnh, khi phát triển toàn cầu, đến quốc gia nào, thị trường nào, họ sẽ đặt văn phòng tại đó. Chúng tôi không thể mở rộng theo kiểu này, bởi sau tính toán, tài chính không đủ, nhân lực cũng thiếu, nếu theo mô hình trên thì Dolphin Sea Air sẽ bị chậm chân rất nhiều. Để phát triển thần tốc, mở rộng luồng tuyến nhanh nhất có thể, khi đến quốc gia nào, chúng tôi quyết định tận dụng luôn các doanh nghiệp vận tải quốc tế tại quốc gia đó. Nhưng việc này yêu cầu sự chăm chỉ đến gấp ba, gấp bốn so với bình thường, không chỉ trong việc chọn lọc danh sách đối tác chất lượng, còn phải trực tiếp khảo sát năng lực họ, rồi thuyết phục họ trở thành “bạn” của Dolphin Sea Air...
Rất nhiều lúc, khi tranh thủ chợp mắt 10 – 15 phút ở sân bay, khi nằm trong những khách sạn giá rẻ tại châu Âu, tôi cũng thấy chạnh lòng. Nhưng nhìn lại, tôi không hối tiếc, thậm chí còn rất tự hào. Điều tuyệt vời nhất là nhìn thấy kế hoạch của mình đi đúng hướng, mồ hôi, nước mắt và hy sinh của mình được đền đáp xứng đáng.
* Hàng Việt đang rất cần những “sếu đầu đàn” logistics để cạnh tranh với Trung Quốc, Thái Lan trên thị trường quốc tế?
Slogan của Dolphin Sea Air là: “Speedy with Best care”, nghĩa là phải mang đến thị trường các giải pháp vận chuyển với thời gian nhanh nhất (Speedy) và chất lượng dịch vụ tốt nhất (Best care).
Tất nhiên, tất cả khách hàng của chúng tôi đều được phục vụ với đúng tinh thần trên, nhưng Dolphin Sea Air luôn dành tình cảm đặc biệt và trân trọng cho các thương hiệu Việt. Cũng là một doanh nghiệp thuần Việt hoạt động toàn cầu, nên tôi thấu hiểu sâu sắc những vất vả của người Việt khi vươn ra thế giới.
Về cơ bản, những đối tác sản xuất – nhà máy đến từ Việt Nam nhận được mức chi phí ưu đãi khi có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu. Ngoài ra, đội ngũ kinh doanh của chúng tôi không chỉ đơn giản là các “sales” kiểm tra giá và bán dịch vụ như những cỗ máy, tôi luôn gọi họ là các “chuyên gia tư vấn”. Các bạn sẽ đưa ra và tư vấn phương án vận tải tối ưu nhất để khách hàng giảm chi phí mà vẫn đảm bảo thời gian xuất nhập.
Tất nhiên, chỗ cho những thương hiệu Việt muốn vươn tầm thế giới cũng sẽ được Dolphin Sea Air ưu tiên. Cổ nhân có câu: “Buôn có bạn, bán có phường”, chúng ta là một hệ sinh thái, nếu có thể liên kết cùng nhau để cùng phát triển thì đó là điều tuyệt vời nhất, là một thế cờ “win – win – win” rất đẹp!