Tham vọng về những ‘gã khổng lồ’ hậu cần
(DNTO) - Kỳ vọng về những trung tâm logistics đang được hiện thực hóa từ chính sách tới hành động. Tuy vậy, rất nhiều vấn đề đặt ra như tính kết nối vùng, quy hoạch, xu hướng phát triển xanh… cần được mổ xẻ để Việt Nam sớm có những “gã khổng lồ” trong lĩnh vực logistics.
Cuộc chạy đua của các đối thủ
Theo bảng xếp hạng Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam đứng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%.
Tại Trung Quốc, cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, đi theo đó là hệ thống logistics cũng vô cùng lớn. Ngoài đội tàu biển thương mại lớn thứ hai thế giới là những trung tâm logistics ra đời sau sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử như Alibaba, JD.com, giúp nước này trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về logistics trên thế giới.
Xu hướng hình thành các trung tâm logistics cũng bùng nổ mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á. Malaysia đã và đang hình thành nhiều trung tâm logistics lớn tại các bang Selangor, Johor. Hay Thái Lan cũng có trung tâm logistics tại Bangkok…
Tại Việt Nam, sau 5 năm triển khai kế hoạch hành động ngành logistic theo Nghị quyết 200 của Thủ tướng Chính phủ, số lượng doanh nghiệp vận tải kho bãi đã tăng lên đáng kể, từ 37.000 doanh nghiệp năm 2017 lên hơn 43.000 doanh nghiệp năm 2021. Trong đó khoảng 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận (TPL) liên quan đến quốc tế.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước yêu cầu thúc đẩy hình thành trung tâm logistics.
Ông Vũ Đức Thịnh, Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam cho biết, logistics là mạch máu của nền kinh tế. Ngành này dù có được đầu tư hay không thì nó vẫn phải tồn tại vì nếu không có logistics, kinh tế không thể phát triển.
Tuy vậy, ở Việt Nam, mặc dù logistics cũng có từ rất lâu nhưng vẫn mang tính rải rác, dẫn đến hiệu quả logistics chưa cao. Do đó, khi xây dựng được những trung tâm logistics cần đi kèm cùng hệ sinh thái gồm cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải, công nghệ thông tin… để tối ưu hóa hoạt động cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và gián tiếp thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Công ty Western Pacific cho biết, một trung tâm logistics thông minh được cấu thành từ 2 phần: phần cứng, phần mềm. Phần cứng liên quan đến vị trí đúng, quy hoạch chuẩn và xây dựng đúng. Phần mềm bao gồm cả con người. Trong logistics, chi phí vận tải chiếm trên 50%, hơn 40% là chi phí lưu kho và bảo quản hàng hóa. Một trung tâm logistics thông minh phải tối ưu hóa được 2 chi phí này.
“Khi xây dựng trung tâm logistics không chỉ đáp ứng yếu tố kinh tế mà còn phải theo xu hướng để có được đối tác quốc tế, ví dụ xu hướng kinh tế tuần hoàn, xu hướng xanh. Điều này phải tích góp từ những phần rất nhỏ, ví dụ xây dựng phần mái của một cái kho làm sao để lấy ánh sáng tự nhiên, hay quy hoạch đúng để công tác vận hành không tốn nhiều thời gian và nhân lực, sử dụng trang thiết bị tiết kiệm điện…”, bà Huệ nói.
‘Huyệt đạo’ đặt trung tâm logistics
Các trung tâm logistics được xem giữ vai trò quan trọng trong kết nối, không chỉ hàng hóa mà còn kinh tế, xã hội giữa các vùng. Vì vậy, theo các chuyên gia, “huyệt đạo” đặt các trung tâm logistics rất quan trọng.
Theo bà Cao Cẩm Linh, Trưởng Ban Nghiên cứu, Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam, phải phân biệt trung tâm logistics cho hàng hóa và trung tâm logistics cho thương mại điện tử. Đây là 2 loại hình khác nhau, vị trí đặt cũng khác nhau.
Trung tâm logistics cho hàng hóa là hàng B2B (doanh nghiệp đến doanh nghiệp), đặt gần cảng, sân bay và các đường biên giới. Còn trung tâm logistics cho thương mại điện tử là hàng B2C (doanh nghiệp đến khách hàng), thậm chí C2C (khách hàng đến khách hàng) nên phải gần với người tiêu dùng cuối cùng.
“Nếu đặt vị trí trung tâm logistics cho hàng thương mại điện tử giống như hàng hóa lớn thông thường thì vô tình làm cho quãng đường đi dài hơn, xa hơn và chính chúng ta sẽ tiếp tay cho việc tắc nghẽn và ô nhiễm môi trường. Khi đặt vị trí trung tâm logistics trong nội đô, vào ban đêm, luồng hàng lớn được luân chuyển về trung tâm đó, sau đó ban ngày, các hàng hóa sẽ được giao đi thông qua ứng dụng của nền kinh tế chia sẻ. Điều đó giúp giảm tải giao thông và ô nhiễm môi trường”, bà Linh nhấn mạnh.
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đặt các trung tâm logistics.
Ở miền Nam thuận lợi cho phát triển trung tâm logistics vì hệ thống đường thủy lớn với khả năng kết nối cao, trong khi khu vực miền Bắc với điều kiện tự nhiên không được bằng phẳng, các khu công nghiệp không tập trung cao như miền Nam nên phương thức vận tải chủ yếu vẫn là đường bộ, ngoài ra còn thiếu hụt một số phương thức vận tải quan trọng như đường thủy, đường sắt và sự kết nối hàng không chưa cao. Yếu tố thứ hai liên quan đến quy hoạch. Thời điểm hiện tại, ở miền Bắc, các trung tâm logistics thường được quy hoạch sau các kết cấu hạ tầng đô thị.
“Phải chia sẻ thật là các trung tâm logistics, nhất là khu vực phía Bắc vẫn đang có tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”, một số kho ở một số vùng rất đông khách nhưng cũng có những nơi dù tỉnh ủng hộ nhưng chưa thể phát triển. Tôi đề xuất trong quy hoạch trung tâm logistics cần nghiên cứu sâu về kết nối giữa các vùng kinh tế. Tức một trung tâm logistics vùng này không có nghĩa chỉ phục vụ một vùng mà phải có sự tương tác”, ông Trung nói.
Cũng liên quan đến quy hoạch, bà Phạm Thị Bích Huệ cũng cho biết quy hoạch các trung tâm logistics thương mại điện tử đi sau quy hoạch dân cư, dẫn đến các nhà đầu tư phải mua đất trong khu dân cư với giá đô thị để xây dựng trung tâm logistics. Như vậy, các nhà đầu tư rất khó vận hành các trung tâm logistics quy mô để phục vụ cho thương mại điện tử. Vì vậy, theo bà Huệ, trong quy hoạch các khu dân cư mới cần song hành với quy hoạch trung tâm logistics để đảm bảo hiệu quả luồng vận tải khi vận hành.