'Nút thắt' chưa tháo được của ngành e-logistics
(DNTO) - Tỷ lệ giao hàng không thành công trong lần đầu tiên vẫn cao nên chi phí dịch vụ e-logistics (hậu cần thương mại điện tử online) chưa thể giảm. Các doanh nghiệp trong ngành vẫn phải vật lộn giải quyết bài toán này.
Miếng pho- mát béo bở
So với các mô hình logistics truyền thống, e-logistics hiện đang phát triển mạnh mẽ ở thị trường Việt Nam. Bởi khi thị trường thương mại điện tử luôn duy trì tăng trưởng 2 con số mỗi năm và được kỳ vọng đạt mức 52 tỷ USD năm 2025, thì yêu cầu về e-logistics cũng càng lớn.
Theo Bộ Công thương, nếu năm 2017, Việt Nam chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp dịch vụ e-logistics thì đến nay con số này đã lên tới 3.000 doanh nghiệp. Bên cạnh những ông lớn trong và ngoài nước đã phục vụ thị trường nhiều năm nay, hiện nhiều tập đoàn lớn như T&T Group, Trường Hải (Thaco) hay Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn… bước đầu nhảy sang lĩnh vực này, đủ để thấy sức hấp dẫn của thị trường e-logistics Việt Nam.
Ông Phan Xuân Dũng – Giám đốc Kinh doanh Công ty Ninja Van Việt Nam, một "kỳ lân" trong lĩnh vực vận chuyển và đã có mặt tại 6 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nhận định, Việt Nam đang có 3 thuận lợi chính cho ngành e-logistics phát triển.
Theo nghiên cứu của Ninja Van, trong 5 năm vừa qua, số lượng đơn hàng thương mại điện tử tăng gấp 3 lần. Cùng với đó là số lượng khách hàng (cả người bán và người mua) mà ngành phục vụ cũng tăng trưởng đột biến. Việc tăng số lượng khách hàng và đơn hàng buộc các đơn vị trong ngành cũng thay đổi và mở rộng dịch vụ khác như hậu cần, kho bãi, đóng gói để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
“Một trong những trải nghiệm của chúng tôi ở Việt Nam khác biệt tương đối so với các nước khác ở Đông Nam Á là ngoài việc số lượng khách hàng phục vụ tăng trưởng thì còn tăng trưởng về diện tích phục vụ. Ví dụ Thái Lan, chúng tôi vẫn phục vụ chủ yếu 90% khách hàng ở khu vực Băng Cốc và các thành phố lớn.
Nhưng ở Việt Nam, khi số lượng đơn hàng và khách hàng tăng trưởng gấp 3 lần thì không chỉ ở các thành phố lớn mà đã trải rộng khắp 63 tỉnh thành. Đó là lý do chúng tôi ngoài phục vụ giao hàng chặng cuối phải mở rộng ra nhiều dịch vụ khác và sắp tới sẽ phát triển dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, liên kết giữa Việt Nam và các nước khác trong Đông Nam Á và châu Á”, ông Phan Xuân Dũng chia sẻ.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho biết với thị trường thương mại điện tử phát triển nóng như hiện nay, số lượng đơn hàng, số lượng giao dịch lớn, nhu cầu logistics cho thương mại điện tử phải bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của các đơn hàng. Vì vậy thị trường rất cần doanh nghiệp đủ năng lực, có tính chuyên nghiệp cao và mạng lưới đủ rộng để phục vụ.
Công nghệ chỉ là một phần
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, các đơn vị cung cấp giải pháp e-logistics buộc phải áp dụng công nghệ.
Vị Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập nhẩu đánh giá, hiện nhiều đơn vị trong ngành đã tiên phong trong việc áp dụng công nghệ để tự động hóa nhiều hơn, bớt sự phụ thuộc vào con người, đồng thời tăng hiệu suất, giảm thời gian, tăng độ chính xác.
Tuy vậy, việc áp dụng công nghệ vẫn chưa đồng đều giữa các đơn vị liên quan. Ví dụ như trong lĩnh vực kho bãi, việc vận hành và quản lý kho lớn đòi hỏi sử dụng công nghệ như AI để tự động hóa quá trình quản lý kho, hay trong lĩnh vực khác như cung cấp dịch vụ công, các cơ quan hải quan cần sử dụng phần mềm để thúc đẩy hoạt động thông quan, quản lý chuyên ngành.
“Ở vận tải hành khách đã phát triển ứng dụng có thể sử dụng chung phương tiện, nhằm tối ưu hóa phương tiện là các xe tải, container, chia sẻ không gian kho. Nhưng những ứng dụng như vậy trong vận tải hàng hóa còn rất ít và chưa phát triển thành những giải pháp đủ lớn”, ông Hải nhận định.
Thế nhưng, đưa công nghệ vào doanh nghiệp đã khó, đưa công nghệ cho khách hàng còn khó khăn hơn. Theo tính toán của Ninja Van, hiện 60-70% đơn hàng chặng cuối là giai đoạn shipper (người chuyển hàng) đưa tới người nhận. Tuy nhiên tỷ lệ giao thành công trong lần đầu tiên chỉ đạt 70-80%. Đơn vị này có dịch vụ giao 3 lần miễn phí cho mỗi đơn hàng, và con số thực tế ở Việt Nam là trung bình sau 2,5 lần giao thì khách hàng mới nhận hàng.
“Khó khăn nhất cho chúng tôi trong vận hành là áp dụng công nghệ cho người nhận hàng. 70% chi phí cho chúng tôi rơi vào việc làm thế nào để giao đơn hàng tận tay người nhận. Có rất nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng, như người nhận không nhận hàng, thay đổi địa điểm thời gian giao hàng hay chỉ nhận một phần đơn hàng… đây là vấn đề rất lớn. Chúng tôi kỳ vọng tỉ lệ giao hàng thành công giảm từ 2,5 xuống còn 1,5-1,7 là đã giảm đi rất nhiều chi phí rồi”, ông Dũng chia sẻ.
Cũng là một khách hàng mua sắm online, ông Trần Thanh Hải thừa nhận sự bất cập khiến thời gian nhận hàng bị trì hoãn.
“Về trải nghiệm mua hàng, tôi cũng có mua hàng trên mạng, nhưng là một người khá bận rộn nên thông thường tôi mong muốn người giao hàng có thông báo trước về thời điểm để mình có thể bố trí việc nhận được không. Thứ hai, họ liên hệ bằng cuộc gọi thì tôi cũng rất khó để tiếp nhận khi đang bận công việc. Nếu họ nhắn tin thì mình có thể hẹn thời điểm cụ thể. Tôi nghĩ môi trường đô thị những người giống như tôi, từ chối các cuộc gọi mà mình không biết rất cao”, ông Hải chia sẻ.
Câu chuyện chi phí logistics tại Việt Nam vẫn đang là điểm nghẽn cản trở sự phát triển của ngành khi chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa, trong khi thế giới chỉ khoảng 10,6%. Đây cũng là đề bài đặt ra nhưng cũng là cơ hội cho các đơn vị trong lĩnh vực e-logistics có thể giải bài toán này để có cơ hội chiếm lĩnh thị trường.
Ngoài ra, theo ông Trần Thanh Hải, Việt Nam sẽ cần phải giải quyết tốt hơn câu chuyện về kết nối của các hệ thống hạ tầng giao thông (giữa đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không) cũng như đẩy nhanh hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc thông quan, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu chuyên ngành.