‘Tam giác vàng’ Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh có thể thành siêu đô thị dạng dải nếu làm được điều này
(DNTO) - Cho ra đời trung tâm logistics liên kết vùng được xem là việc cần làm ngay để giúp vùng động lực phía Bắc có thể phát triển nhanh hơn.
Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đủ lực thành siêu đô thị dạng dải
Khái niệm Megalopolis (tạm dịch: siêu đô thị dạng dải) xuất hiện từ những năm 50 của thế kỉ XX, diễn tả hiện tượng các đô thị lớn, phát triển dọc theo một trục giao thông huyết mạch, có xu hướng lan rộng và kết nối với nhau tạo hành một dải đô thị.
Trao đổi trong Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022, ngày 26/11, bà Phạm Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Logisitcs Hà Nội cho biết, trên thế giới đã có những mô hình siêu đô thị dạng dải rất thành công, điển hình như dải đô thị Boston - Washington DC, San Fransico - San Diego, Chicago - Pittsburgh (Mỹ).
Hay ở Nhật Bản là trục kết nối giữa Tokyo – Nayoga – Osaka, trong đó Tokyo là vùng lõi và các thành phố rìa ngoài kết nối cảng biển, thu hút nguồn hàng xuất nhập khẩu và đẩy nguồn hàng đó vào trung tâm phân phối nội đô.
“Với nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, địa chính trị của tam giác động lực Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, chúng tôi tin rằng vùng này hoàn toàn hội tụ đủ các điều kiện và xu thế để phát triển thành dải đô thị tương tự như Nhật Bản, vấn đề quan trọng là giải quyết bài toán phát triển logistics như thế nào một cách nhanh nhất và tạo được hiệu quả tốt nhất”, bà Lan Anh nhấn mạnh.
Tại Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã chính thức đề cập đến vùng động lực phía Bắc gồm Hải Phòng – Hà Nội – Quảng Ninh, bám theo trục quốc lộ 18 và trục quốc lộ 5, với Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng. Vùng độc lực phía Bắc cùng với 3 vùng động lực khác được kỳ vọng đóng góp chính vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn tới.
Theo bà Lan Anh, đặc điểm nổi bật về hạ tầng của vùng này là có sự kết nối của đầy đủ các phương thức vận tải: 3 cảng hàng không quốc tế, 300 km đường bộ kết nối toàn tuyến từ Hà Nội tới Móng Cái (Quảng Ninh) cùng hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ phát triển; mạng lưới cảng biển tập trung ở Hải Phòng, Quảng Ninh, bao gồm cảng nước sâu và hệ thống cảng thủy nội địa theo trục giao thông đường bộ; tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng và Kép – Hạ Long. Hạ tầng logistics được đầu tư hiện đại.
Tuy nhiên, câu chuyện về năng lực logistics của 3 địa phương vẫn hạn chế ở chỗ mặc dù các phương thức vận tải có đầy đủ nhưng không đồng đều về mức độ phát triển và khai thác. Đường thủy và đường sắt còn hạn chế, năng lực khai thác logistics chưa tương xứng với hạ tầng.
“Mặc dù chưa có con số chính thức nhưng nếu so sánh với vùng động lực phía Nam (TPHCM – Đồng Nai – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu), số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của vùng động lực phía Bắc ít hơn, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn. Mỗi địa phương đều có những vị thế của mình trong phát triển logistics nhưng chưa được khai thác và phát huy đúng. Bài toán là phát triển logistics thế nào để thúc đẩy liên kết vùng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh”, bà Lan Anh nói.
Việc cần “làm nhanh” và “làm trước”
Cũng theo đại diện Hiệp hội Logisitcs Hà Nội, mặc dù các địa phương đã có kế hoạch phát triển logistics, nhưng có những việc nên “làm nhanh” và “làm trước”. Trong đó, cần “phân vai” cụ thể cho từng địa phương trong “tam giác vàng”, đâu là nơi đóng vai trò kết nối xuất nhập khẩu, nơi nào là trung chuyển phục vụ sản xuất hay đâu là trung tâm phân phối tiêu dùng.
“Ví dụ Hà Nội, với đặc điểm là vị trí chính trị, kinh tế và mật động dân số đông, vai trò chính là trung tâm phân phối hàng hóa phục vụ tiêu dùng và phục vụ luồng thương mại điện tử của toàn bộ miền Bắc. Vì vậy, Hà Nội nên hướng tới phát triển mô hình logistics nội đô trên các ứng dụng công nghệ.
Hải Phòng và Quảng Ninh đều có vị thế là cửa ngõ kết nối Việt Nam với quốc tế. Trong khi Hải Phòng có vẻ đang đi xa hơn trong vị thế kết nối của mình thì Quảng Ninh, nơi có cửa ngõ quốc tế cả đường bộ và đường biển nhưng chưa được khai thác hết mức. Vì vậy cần nâng cao vị thế cửa ngõ của Quảng Ninh.
Hai địa phương này nên đi theo hướng là phát triển các khu công nghiệp, lấy lõi là hoạt động logistics. Hiện nay, Hải Phòng đang làm rất tốt trong việc mở các khu công nghiệp với nền tảng là các logistics trong khu công nghiệp, điều này cần được phát huy song song với việc phát triển dịch vụ logistics phục vụ cho sản xuất công nghiệp. ”, bà Lan khuyến nghị.
Ngoài ra, theo vị này, câu chuyện về tạo cơ chế thu hút các luồng hàng để khai thác tối đa năng lực tuyến đường sắt Hà Nội – Cảng Hải Phòng, Hà Nội – Kép (Bắc Giang) – Cảng Cái Lân (Hải Phòng) cũng cần làm nhanh vì hiện công suất các toa tàu chưa đạt 100%.
Với đường thủy, tuyến chính đang vận hành từ Quảng Ninh lên Hà Nội đi qua Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Nhưng Hà Nội dù đang có một số cảng thủy nội địa như Hồng Vân và Khuyến Lương, tuy nhiên vì một số vướng mắc nên cũng chưa được khai thác hết công suất, chưa đón được các tuyến xà lan chở container, đây cũng là việc cần làm gấp.
“Nếu nhanh chóng nâng cao năng lực của đường sắt, đường thủy sẽ làm giảm áp lực với hệ thống đường bộ”, bà Lan nói.